Để dân không tái nghèo

Để dân không tái nghèo
Nông dân đang là lực lượng chủ lực đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới. Song, cuộc sống của họ lại đang rất bấp bênh khi luôn sống trong tình trạng: ăn bữa nay không biết bữa mai ra sao.
 
 
 
Ăn bữa nay, lo bữa mai
 
Đó là điều thường trực đối với cuộc sống của phần lớn các hộ thuần nông ở Việt Nam hiện nay. Bởi, với người nông dân, không ai chắc được là những vụ mùa, những vườn cây, ao cá, những đàn gia súc, gia cầm… của họ sẽ được giá mà không mất mùa. Chỉ một cơn bão, một trận dịch đi qua là có thể san bằng tất cả những công sức họ bỏ ra cả năm. Và chính bởi những bấp bênh đó, nên năm này qua năm khác, tình trạng thoát nghèo, rồi lại tái nghèo của người dân cứ lặp đi lặp lại. Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cả nước hiện có hơn 2,5 triệu hộ nghèo và hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo. Trong số này, chiếm đa số vẫn là những hộ thuần nông. Và những hộ kể cả đã được cho là thoát khỏi mức nghèo – nghĩa là ở mức cận nghèo – thì nguy cơ tái nghèo vẫn rất cao.
 
Tổ chức Oxfam - một tổ chức phi chính phủ trong báo cáo mang tên "Vun trồng một tương lai no đủ” vừa công bố hồi cuối tuần qua đã nhắc đến chuyện một gia đình thuần nông ở Đức Hương, Hà Tĩnh, sau hơn 10 năm bươn trải kiếm sống đã được coi là tạm thoát nghèo. Đó là gia đình anh Nghĩa, chị Hòa, gia đình cuối cùng ở xã Đức Hương được mắc điện vì suốt một thời gian dài, họ không có tiền để mua dây kéo điện vào đến nhà. Ruộng cấy một năm, gia đình vẫn thiếu ăn tới 4 tháng. Đến năm 2010, nhiều cơ hội mới đến gia đình thuần nông này. Anh Nghĩa xoay xở tìm được công việc phụ hồ, và gia đình đã dựng được nhà với một phần kinh phí được hỗ trợ từ chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo 167 của Chính phủ. Vườn cam anh chị trồng từ khi mới chuyển đến xã Đức Hương đã cho thu hoạch và diện tích ruộng trồng lúa của gia đình đã tăng lên do chủ trương dồn thiền đổi thửa. Có những thu nhập khá ổn định từ những việc ruộng lúa, vườn cam, gia đình anh Nghĩa, chị Hòa coi như đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Song, báo cáo của Oxfam nhận định rằng: Cũng như nhiều hộ nông dân khác, gia đình anh Nghĩa, chị Hòa vẫn chưa tin rằng, họ đã hoàn toàn thoát khỏi nghèo đói. Bởi, họ luôn lo sợ những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh đe dọa mùa màng của họ bất cứ lúc nào. 
 
Giải pháp để thoát nghèo bền vững
 
Nông hộ sản xuất quy mô nhỏ đã và vẫn luôn là thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển nông thôn Việt Nam.  Bởi vậy, "trao cho người nông dân vị trí trọng tâm trong tiến trình hiện đại hóa sẽ giúp đạt được những tiến bộ lớn trong giảm nghèo và tạo ra một khu vực nông nghiệp với có khả năng thích ứng, năng suất và bền vững” – Oxfam đánh giá. Điều này cũng có nghĩa, tăng cường đầu tư cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ sẽ là đòn bẩy cho mục tiêu thoát nghèo mang tính bền vững. Theo đó, Oxfam đề xuất, cần thiết phải tăng đầu tư Nhà nước và tư nhân vào nông nghiệp quy mô nhỏ, bằng cách nên dành tối thiểu 10% chi tiêu công cho nông nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ cho nông dân sản xuất nhỏ được coi là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển ổn định và lâu dài. Đơn cử, việc áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI mà Oxfarm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang  triển khai tại nhiều địa phương (trong đó có Hà Nội) là một phương pháp sản xuất đã bộc lộ nhiều tính ưu việt, giúp bà con nông dân chăm sóc cây lúa chắc khỏe, đất đai thêm màu mỡ mà lại tiết kiệm khi phương pháp này có thể giúp giảm sử dụng nước và phân bón...
 
Có thể nói, hàng loạt các chính sách nhằm hỗ trợ cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ đã được đưa ra, song trên thực tế khi tham gia vào thị trường, đối diện với sự cạnh tranh, họ luôn là người yếu thế. Và rất cần thiết phải có những thay đổi, những điều chỉnh về chính sách để cải thiện tình hình đó. Nói như TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp phát triển nông thôn: Để cho người nông dân có thể tham gia được vào quá trình phát triển cơ chế thị trường, đòi hỏi phải có những điều chỉnh về thị trường, kết nối người sản xuất nhỏ với nhau để tạo thành những người sản xuất lớn hơn; kết nối họ với chế biến, kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng của họ, đưa họ ra thị trường.
 
Những nhận định trên, một lần nữa cho thấy, đầu tư cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ sẽ mang lại lợi ích lớn thế nào, nó sẽ là yếu tố then chốt thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển một cách bền vững.
Duy Phương
Theo Báo Đại đoàn kết