Khẩn trương đối phó với bão số 8

Khẩn trương đối phó với bão số 8
Chiều nay 25/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp khẩn với các thành viên để bàn các biện pháp chủ động phòng chống cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh).

Sẽ có mưa lớn trên diện rộng
Chiều nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 8 có tên gọi Sơn Tinh đã tiến sâu vào biển Đông, đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.
Khi vào biển Đông, bão tiếp tục mạnh lên cấp 10,11.
Dự kiến, đêm 27/10 bão số 8 sẽ đổ bộ vào nước ta, gây mưa rất lớn và trên diện rộng, lượng mưa có thể đạt từ 300mm đến 500 mm trải dài từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Vùng Nam đồng bằng sông Hồng mưa muộn hơn, từ 200 đến 300, mm. Các nơi khác của Bắc bộ lượng mưa dự kiến trên dưới 100 mm.
Với lượng mưa này, ngành nông nghiệp các địa phương cần khẩn trương lên phương án phòng chống ngập úng cho các diện tích cây rau màu vụ Đông, đồng thời rà soát tình hình các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để chủ động vận hành theo đúng quy trình.
Hiện Trung tâm đang theo dõi đường đi của cơn bão, khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung Trung Bộ hoặc Bắc Trung Bộ.
Trung tâm cũng đưa ra khuyến cáo, các địa phương cần chủ động kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh, trú bão an toàn; chủ động các phương án đề phòng lũ quét, sạt lở đất, lũ nghiêm trọng có thể xảy ra.
Với các tàu thuyền ở trên biển, khi bão đang hướng về quần đảo Hoàng Sa, thì tàu thuyền nên tránh về phía Nam tốt hơn là phía Bắc.
 
Đường đi dự kiến của bão số 8 (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ)
Chủ động đối phó với bão
 
Báo cáo tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cho biết: hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên đã có công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão.
Đến nay, các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Định đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa Hè Thu. Người dân từ Nghệ An đến Khánh Hòa đã thu hoạch gần 90% diện tích nuôi trồng thủy sản, hiện chỉ lo ngại đối với các hộ nuôi trồng lồng bè trên biển khu vực Trung miền Trung.  
Các hồ chứa nước thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế hiện đang tích nước, dung tích đạt khoảng 60 đến 80% thiết kế. Đáng lưu ý là một số hồ đã đầy nước và đang cho xả tràn tự do. Các hồ chứa đang thi công tại khu vực miền Trung đã xây dựng xong tràn xả lũ và chủ động lên phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn công trình. Hiện các hồ này không tích nước, khi có lũ sẽ chảy qua tràn tự do.
Còn các hồ thủy điện  khu vực miền Trung phần lớn còn thấp hơn mực nước dâng bình thường.
Khu vực Tây Nguyên có nhiều hồ chứa đã đầy nước, đang cho xả tràn để đảm bảo thực hiện vận hành theo quy trình.
Đến chiều nay, Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố đã thông báo và hướng dẫn cho gần 27 nghìn tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gian tìm kiếm cứu nạn cho biết: Đến thời điểm này chúng tôi tập trung bên biên phòng, hải quân, không quân, cảnh sát biển và 4 Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng 6 máy bay trực thăng, tàu xuồng 556 chiếc. Các lực lượng trên bờ đã triển khai các phương án sẵn sàng di dời dân, hỗ trợ ứng phó đê điều. Quân khu 4 và 5 đã thành lập các sở chỉ huy tiền phương sẵn sàng cơ động lực lượng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, ngư dân buộc phải lên bờ. Các địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, bảo vệ cây vụ Đông mới gieo trồng, chủ động tích trữ lương thực, thuốc men và điều các phương tiện máy móc xử lý kịp thời các tính huống bị  chia cắt./.
H. Hoà
Theo toquoc.vn