Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột nền kinh tế

Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột nền kinh tế
Nông nghiệp đóng góp tới 2,7%, xuất siêu với hơn 10 tỷ USD, khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu của thế giới.

Năm 2012 và năm 2013, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của  kinh tế trong bối cảnh đất nước gặp nhiều  khó khăn.Trong chỉ số tăng trưởng chung của nền kinh tế 5,03%,  ngành nông nghiệp đóng góp tới 2,7%, xuất siêu với hơn 10 tỷ USD, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu của thế giới. 

 

Việt Nam trở thành quốc gia  đứng đầu về xuất khẩu gạo

Hôm nay, ngày đầu tiên của năm mới năm 2013, trong tiết trời lạnh buốt, bà con nông dân các tỉnh phía Bắc vẫn hồ hởi xuống đồng làm đất, nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng chuẩn bị sản xuất vụ Xuân. Cũng như nhiều người nông dân, bà Nguyễn Thị Hoa, ở Thanh Hóa, mong sao mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, để nâng cao thu nhập của gia đình. Đặc biệt là bộ mặt nông thôn sẽ ngày càng khởi sắc theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

“Tôi nghĩ rằng nông nghiệp của đất nước ta vẫn phải có sự phát triển vì trong khi nền kinh tế gặp khó khăn thì nông nghiệp càng có vai trò quan trọng để người nông dân như chúng tôi vẫn đảm bảo cuộc sống. Đảng và Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để người dân được hưởng lợi từ chương trình này, mang lại bộ mặt nông thôn nhiều đổi thay”-Bà Hoa nói.

Đây cũng là mong muốn của nhiều nông dân để có thể làm giàu trên chính đồng đất của quê hương mình. Tuy nhiên, thực tế giá trị nông sản nói chung và các sản phẩm chăn nuôi nói riêng vẫn còn thấp, người chăn nuôi cả nước gặp khó khăn với dịch bệnh. Do vậy, nhiều chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này cần tiếp tục được triển khai. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi- Bộ NN-PTNT, nêu ý kiến: "Tôi mong muốn ngành chăn nuôi nhận được sự chia sẻ của xã hội, tiếp tục được đầu tư để ngành phát triển vượt qua khó khăn, trong đó sự hỗ trợ của địa phương và chính phủ về các chính sách giúp người chăn nuôi vay vốn tín dụng, giãn nợ, cho vay vốn mới và địa phương lại tiếp tục hỗ trợ lãi xuất đó. Đồng thời ngân hàng giúp người nông dân tạo điều kiện thủ tục vay vốn cho họ tiếp cận nguồn vốn này".

Một thành tích nổi bật của ngành nông nghiệp nước ta trong năm qua là xuất khẩu gạo đã tạo bước đột phá lớn trong năm nay khi lần đầu tiên Việt Nam vươn lên thành cường quốc thứ nhất thế giới. Tổng sản lượng xuất khẩu gạo năm qua gần 8 triệu tấn, kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng gần 10% về lượng. Đáng chú ý là hạt gạo Việt Nam vượt qua rào cản kỹ thuật thương mại an toàn vệ sinh thực phẩm để lần đầu tiên có mặt ở nhiều thị trường mới tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật- Bộ NN-PTNT cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ chú trọng, trong đó có Cục Bảo vệ thực vật là tiếp tục chú trọng sản xuất an toàn cho người tiêu dùng trong nước, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giữ vững được thị trường xuất khẩu.

Thành quả trong năm qua là cơ sở vững chắc để thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung nguồn lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu lại sản xuất tăng năng suất, đảm bảo sự phát triển bền vững, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và môi trường. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3%, giá trị kim ngạch xuất khẩu là 28,5 tỷ USD. Ngành sẽ duy trì ổn định sản lượng lúa của cả nước  43,5 triệu tấn, trong đó khối lượng gạo xuất khẩu lên đến 7 triệu tấn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: Triển khai chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tính bền vững của các ngành sản xuất. Đồng thời tập nguồn lực, nhân lực chuyển đổi mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân lên diện rộng làm tăng cạnh tranh cao hơn, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản. Thúc đẩy tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để người dân được hưởng lợi nhiều hơn, nâng cao đờ sống vật chất khu vực nông thôn theo hướng thiết thực và bền vững.

Năm Quý Tỵ 2013, theo quan niệm người phương Đông là năm biểu tượng cho lạc quan và thịnh vượng, đang mở ra cánh cửa mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công, khẳng định vai trò là ngành mũi nhọn kinh tế đất nước./.