Nghiên cứu thành lập cảnh sát lâm nghiệp

Nghiên cứu thành lập cảnh sát lâm nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về một số kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn từ nay đến năm 2020.

 

Theo Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, tính đến nay cả nước đã thực hiện khoán bảo vệ rừng được hơn 1,96 triệu ha (đạt 98% kế hoạch) so với mục tiêu 2 triệu ha của năm 2012. Trong đó, khoanh nuôi tái sinh đạt trên 211.300ha, trồng cây phân tán đạt hơn 35,7 triệu cây…

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, phát triển rừng hiện còn nhiều hạn chế. Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT hoàn chỉnh lại “Đề án quản lý khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11.2012.

Việc thành lập lực lượng cảnh sát kiểm lâm được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế nạn phá rừng (ảnh chụp tại Vườn quốc gia Ba Bể, Bắc Kạn).

Về đề án này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ NNPTNT cần phân tích làm rõ ưu nhược điểm, tác động đến kinh tế, xã hội của từng phương án. Theo đó, có 2 phương án được đưa ra, đó là: Tạm dừng khai thác gỗ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước. Phương án 2 là, đối với vùng Tây Nguyên cho phép Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô ở tỉnh Kon Tum (đã được cấp chứng chỉ gỗ có kiểm soát và sẽ cấp chứng chỉ rừng FSC quốc tế vào năm 2013) được khai thác sản lượng ổn định 8.000m3/năm. Riêng đối với các địa phương còn lại, cho phép các công ty khai thác theo phương án điều chế rừng hoặc phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về đề án nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NNPTNT nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh theo 2 phương án: Phương án 1 là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm lâm giai đoạn 2011-2020. Phương án 2 là thành lập lực lượng cảnh sát lâm nghiệp (tương tự cảnh sát biển).

Về dự thảo Thông tư hướng dẫn trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng công trình thủy điện, khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng khác, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, lấy ý kiến các bộ, ngành. Trong dự thảo thông tư này, Phó Thủ tướng đề nghị: Phải có phương án trồng rừng được duyệt bảo đảm tính khả thi thì mới được khởi công công trình. Đối với những tỉnh không còn đất trồng rừng thay thế, thì phải nộp số tiền theo dự án trồng rừng thay thế được duyệt về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng T.Ư để Bộ NNPTNT bố trí cho tỉnh còn quỹ đất trồng rừng thay thế thực hiện.

Đối với dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng từ khi Nghị định số 23/2006 của Chính phủ có hiệu lực, mà đến nay chưa trồng rừng thay thế, thì yêu cầu chủ đầu tư phải trồng lại rừng trong trường hợp địa phương đó còn quỹ đất. Nếu không còn quỹ đất, thì phải nộp tiền theo hướng xử lý nêu trên.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tiến hành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện dự án trồng rừng thay thế tại các địa phương.