Tìm hướng phát triển nhân lực chất lượng cao

Tìm hướng phát triển nhân lực chất lượng cao
Để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đúng địa chỉ sử dụng; tiếp cận cách làm hay của thế giới.
 

Ảnh: VGP/Thu Cúc

Đó là ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội thảo khoa học về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, do Tạp chí Cộng sản cùng với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức, ngày 24/8.

 

Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm về chất lượng của lực lượng lao động, đứng thứ 11/12 nước châu Á được xếp hạng. Hiện, Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động lành nghề cũng như nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nếu trong thời gian tới, không giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nhân lực trầm trọng, mà hệ quả của nó là sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”; đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế.

Đặt vấn đề “phải chăng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý là quan trọng nhất?”, nhà báo Hữu Thọ cho rằng trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo. Nếu có nguồn lãnh đạo, quản lý có tư duy đổi mới, có kiến thức, đạo đức trong sáng, lắng nghe, tôn trọng đồng sự thì có khả năng tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu khẳng định, trong nguồn lực con người, đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo là lực lượng quan trọng, đi đầu trong tham mưu, đề xuất và lãnh đạo tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Theo Thứ trưởng Văn Tất Thu, cần phải đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ kế cận, tạo điều kiện cho họ trưởng thành và phát triển.

Về vấn đề sử dụng nguồn nhân lực, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Việt Nam cho rằng hiện nay việc sử dụng, bố trí nguồn nhân lực tại Việt Nam còn có sự chưa hợp lý. Những người giỏi chuyên môn lại được bố trí để làm lãnh đạo, trong khi chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng quản lý và sắp xếp công việc.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng đề nghị cần xem xét lại việc đào tạo, sử dụng, ưu đãi nguồn nhân lực, nhân tài. Nếu chỉ chú tâm đào tạo chyên môn mà không quan tâm tới các khâu bồi dưỡng nhận thức, phẩm chất, bố trí việc làm phù hợp thì phát triển nguồn nhân tài vẫn còn khó khăn.

Thu Cúc
Theo: baodientu.chinhphu.vn