Con em xa quê gửi ngoại tệ “hồi sinh” những công trình văn hóa bị bỏ quên
- Chủ nhật - 15/12/2019 08:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ chỗ một ao đất “cỏ leo bèo lấp”, ao sen của thôn Phú Lợi được nâng cấp, chỉnh trang thành một trong những điểm nhấn của các công trình sinh hoạt văn hóa, thư giãn của người dân
“Ao sen, giếng nước, đền Thành Hoàng làng…”, như nhiều làng quê khác, những biểu tượng văn hóa này đang hiện hữu và hòa quyện nét đẹp truyền thống trong bức tranh tươi mới của khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Phú Lợi, xã Kỳ Phú hôm nay.
Tạm gác những tất bật trong những ngày cao điểm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu cuối năm, trong vai những “hướng dẫn viên du lịch”, Bí thư Chi bộ Nguyễn Minh Giáp và Trưởng thôn Phú Lợi Hoàng Ngọc Thoại hồ hởi dẫn chúng tôi đi tham quan một lượt những “điểm nhấn” trong quần thể các công trình văn hóa truyền thống của thôn.
Bia ghi thông tin về công trình ao sen
Bên tuyến đường trung tâm, một ao sen bằng bê tông rộng trên 1.000m2 với khu vực sảnh hàng trăm mét vuông được lát gạch block, là sân tập thể dục dưỡng sinh hoặc địa điểm hoạt động ngoài trời như một tiểu công viên.
Đối diện là khu hoạt động thể thao tổng hợp. Ngay trước cổng đền Thành Hoàng làng bề thế, uy nghiêm là giếng làng vừa được tôn tạo, làm mới, nổi bật lên như một điểm nhấn về văn hóa làng quê và tính cố kết cộng đồng bao đời của người dân vùng biển Kỳ Phú...
Giếng làng, từng là nơi phục vụ nước sinh hoạt công cộng và là điểm sinh hoạt văn hóa của người dân thôn Phú Lợi, đã bị hư hỏng, mai một, vừa được con em đi XKLĐ góp kinh phí cải tạo đầu năm 2019
“Không chỉ là sự nỗ lực cao độ của mỗi người dân trong thôn, mà trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, hàng trăm con em đang sinh sống và lao động ở nước ngoài cũng không nằm ngoài cuộc. Diện mạo của thôn và đặc biệt hầu hết các công trình văn hóa, tâm linh trên địa bàn thôn Phú Lợi đều nhận được sự đóng góp quan trọng của con em đi xuất khẩu lao động với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng” - Bí thư Chi bộ thôn Phú Lợi Nguyễn Minh Giáp phấn khởi cho biết.
Năm 2015, bắt tay vào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, một trong những công trình văn hóa được cấp ủy và ban cán sự thôn quan tâm và coi đây là cơ hội để phục dựng, đó là ngôi đền Thành Hoàng làng tọa lạc ngay ở trung tâm thôn, có từ hàng trăm năm trước đã bị chiến tranh tàn phá chỉ còn lại khuôn viên và nền móng. Do điều kiện khó khăn, qua bao nhiêu năm với mong mỏi của cán bộ và người dân Phú Lợi nhưng ngôi đền vẫn không thể phục dựng.
Trong lúc đang đau đầu với phần kinh phí không hề nhỏ, thì có ý kiến là nên kêu gọi xã hội hóa xây dựng đình làng, đặc biệt là tranh thủ nguồn lực từ 350 người đang lao động ở nước ngoài. Ngay lập tức ý kiến này được triển khai và rất vui mừng là đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của bà con ở nhà cũng như con em đi XKLĐ” - Bí thư Chi bộ Nguyễn Minh Giáp cho biết.
“Còn nhớ, sau khi bàn bạc, thống nhất ý tưởng và dự trù kinh phí phục dựng đền Thành Hoàng làng, tôi trực tiếp gọi điện cho các anh Nguyễn Tiến Hà và Trần Xuân Phong, những người đi XKLĐ thành đạt ở Hàn Quốc. Thật cảm động là các anh rất vui mừng, phấn khởi; không chỉ đồng tình, ủng hộ mà còn động viên cán bộ, bà con ở nhà khẩn trương triển khai, đồng thời đứng ra thông báo và tổ chức huy động con em thôn Phú Lợi ở Hàn Quốc cũng như tại các nước khác khẩn trương quyên góp tiền để gửi về quê” - Trưởng thôn Phú Lợi Hoàng Ngọc Thoại phấn khởi chia sẻ.
Phục vụ các hoạt động lễ nghi tại đền Thành Hoàng làng là những người cao tuổi, xuất thân trong các gia đình tiêu biểu về mọi mặt của đời sống
Kết quả là chỉ hơn 3 tháng kể từ khi có ý tưởng, ngôi đền Thành Hoàng làng đẹp đẽ, uy nghiêm với hai tòa điện thờ quy mô được phục dựng theo kiến trúc hiện đại hơn trên khuôn viên cũ. Cùng với các công trình phụ trợ, tổng kinh phí xây dựng trên 700 triệu đồng.
Sau khi đền Thành Hoàng làng được phục dựng, các công trình văn hóa như: Ao sen, giếng làng, sân vận động cũng lần lượt được quy hoạch xây dựng mới với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, chủ yếu là huy động từ nguồn đóng góp của con em đi XKLĐ.
Sân tập bên bờ hồ sen luôn thu hút các cụ cao niên trong thôn tham gia luyện tập thể thao như: tập dưỡng sinh, đi bộ, đánh cầu lông...
Là người cao tuổi, đã từng chứng kiến những đổi thay của quê hương, hơn ai hết, cụ Nguyễn Trung Sỹ (trên 70 tuổi) xúc động và tự hào: “Tôi không thể hình dung nổi là một ngày sẽ được nhìn thấy ngôi đền Thành Hoàng làng linh thiêng cũng như những công trình văn hóa, tâm linh của quê hương một thời mình gắn bó đã bị hư hỏng mai một nay được khôi phục. Chỉ có xây dựng NTM, khu dân cư kiểu mẫu thì mới xây dựng được lòng tin, sự quyết tâm để mỗi người dân chung tay khôi phục được những giá trị ngàn đời của cha ông để lại”.
“Không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh vào những ngày lễ tết, ngôi đền và các công trình văn hóa truyền thống được phục dựng là nơi lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng của cha ông; phát huy các giá trị về sinh hoạt cộng đồng, đồng thời tạo nét độc đáo riêng có của địa phương trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu” - Trưởng thôn Phú Lợi Hoàng Ngọc Thoại tự hào khẳng định.
Từ khi được đầu tư nâng cấp, khu hoạt động thể thao tổng hợp là nơi thu hút đông đảo nhất các thành phần, lứa tuổi người dân trong thôn tham gia luyện tập
“Xác định vai trò chủ thể của mình, chúng tôi sẵn sàng hết sức mình để làm cho thôn xóm đẹp hơn. Mặc dù kiếm được đồng tiền từ lao động nước ngoài không phải dễ dàng gì, nhưng để xây dựng NTM, đặc biệt là khôi phục các công trình văn hóa, tâm linh của thôn, chúng tôi luôn động viên các cháu san sẻ vì việc chung” - Ông Nguyễn Sỹ Kiều, có con đang lao động ở nước ngoài phấn khởi bộc bạch.
Các công trình văn hóa, tâm linh đã góp phần làm nên vẻ đẹp riêng có của thôn Phú Lợi trong lòng xã vùng biển Kỳ Phú với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, nhà cửa công trình khang trang, đời sống người dân khởi sắc rõ nét... Kỳ Phú cũng vừa được công nhận đạt 20 tiêu chí của chương trình xây dựng NTM.
Cổng đền được đầu tư xây dựng hoành tráng và có tính thẩm mỹ cao
Theo ông Trần Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phú, kết quả về huy động nguồn lực từ con em đi lao động ở nước ngoài tại thôn Phú Lợi thời gian qua đã thể hiện bước chuyển rõ nét về nhận thức của người dân.
Từ chỗ chỉ đơn thuần là gửi tiền về cho gia đình, nay được “thấm” chủ trương xây dựng NTM, họ đã biết chia sẻ một phần tinh thần và vật chất cùng chính quyền và bà con xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Theo Tiến Thành/baohatinh.vn