Đỡ đầu xây dựng NTM của Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh: Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một người dân
- Thứ ba - 03/09/2013 20:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Khó trăm lần dân liệu cũng xong”
Anh Bùi Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới của xã Thuận Lộc, nhớ lại:
- Các xã khác trong tỉnh được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ 6 đến 7 tiêu chí, còn Thuận Lộc bắt đầu từ con số 0. Hơn nữa, Thuận Lộc là xã vùng trũng, đời sống người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp một vụ, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 37,8%.
- Đâu là bí quyết để chính quyền địa phương và nhân dân Thuận Lộc hoàn thành 14/19 tiêu chí chỉ sau hơn 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới?-Tôi hỏi.
- Trong những ngày khó khăn, gian khổ ấy, sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hà Tĩnh trở thành chiếc cầu nối, tạo sự gắn bó mật thiết hơn giữa người dân và chính quyền địa phương. Do đó, địa phương đã phát huy được sức mạnh, quyết tâm thực hiện nhanh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. - Anh Tuấn khẳng định.
Câu chuyện về sự đỡ đầu của Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đối với Thuận Lộc trong xây dựng nông thôn mới được bắt đầu bằng tinh thần mỗi cán bộ, chiến sĩ trở thành một người con của địa phương. Họ bắt đầu từ những cuộc họp ở các thôn, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân; đồng thời là hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền để người dân hiểu: Bản chất của việc xây dựng nông thôn mới là do người dân làm chủ. Trong cuộc họp ở các thôn của xã Thuận Lộc bàn về xây dựng nông thôn mới, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cũng cử người tham dự. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, trong đó lấy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên mà nhân dân đã đồng thuận cao, góp công, góp của xây dựng các hạng mục công trình mới. Anh Bùi Tuấn phấn khởi chia sẻ:
- Điều tuyệt vời trong xây dựng nông thôn mới ở Thuận Lộc là được nhân dân ủng hộ tuyệt đối. Công trình dự án đi đến đâu, xã có yêu cầu gì, nhân dân đều sẵn sàng chia sẻ. Sau hơn hai năm triển khai, nhân dân trong xã Thuận Lộc hiến hơn 37.000m2 đất, nhiều tài sản và công trình trên đất để xây dựng hơn 20km đường giao thông trục xã và thôn; cứng hóa hơn 12km đường trục chính nội đồng…
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh tham gia xây dựng nông thôn mới ở Thuận Lộc. Ảnh: Dương Hoàng |
Điều anh Tuấn chia sẻ thêm một lần nữa khẳng định câu nói của Bác Hồ: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đến nay, nhân dân Thuận Lộc đã xây dựng thành công những cánh đồng mẫu lớn, vùng trang trại chuyên canh, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 21,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,4%.
Mỗi cơ quan, đơn vị nhận giúp "một đầu việc"
“Thuận Lộc giờ được ví như thành phố. Ban đêm điện chiếu sáng khắp các nẻo đường. Đây là công trình của Đoàn thanh niên Bộ CHQS tỉnh phối hợp với tổ chức đoàn địa phương thiết kế, lắp đặt”. - Anh Hoàng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc, phấn khởi khoe với chúng tôi.
Câu chuyện của anh Sơn kể là kết quả của chủ trương do Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức quần chúng giúp đỡ Thuận Lộc “một đầu việc” xây dựng nông thôn mới. Công trình đường điện thắp sáng các thôn là sản phẩm của chương trình "Thắp sáng đường thôn quê", do Đoàn thanh niên Bộ CHQS tỉnh phối hợp với tổ chức đoàn địa phương triển khai thực hiện. Đại tá Vũ Nam Phong, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, cho biết:
- Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đề ra chủ trương trên bởi mỗi cơ quan, đơn vị đều có thế mạnh riêng, hơn nữa, chúng tôi cũng muốn phát huy tối đa ý tưởng sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong việc giúp đỡ xã Thuận Lộc một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Chương trình “Thắp sáng đường thôn quê” là một trong những ý tưởng sáng tạo ấy. Đoàn viên thanh niên Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với tổ chức đoàn địa phương quyên góp tiền, tự thiết kế và lắp đặt. Ban đầu chỉ là những đường điện tuyến đường chính ở thôn Chùa. Sau đó, bà con các thôn khác đã tự nguyện đóng góp tiền để lắp đường điện phục vụ cuộc sống sinh hoạt của nhân dân trong thôn.
Hay như con đường bê tông từ trục chính vào trung tâm hành chính xã Thuận Lộc là con đường cuối cùng của xã chưa được bê tông hóa. Sau một thời gian triển khai xây dựng nông thôn mới, việc huy động sức dân bắt đầu gặp khó khăn thì Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh quyết định trích gần 250 triệu đồng từ quỹ đơn vị và huy động bộ đội tranh thủ ngày nghỉ tham gia thi công. Những ngày thi công con đường trên, nhân dân thôn Hồng Nguyệt cùng tham gia với bộ đội và đóng góp thêm tiền, ngày công để hoàn thành việc bê tông hóa 350m cuối cùng trong niềm vui của lãnh đạo, chính quyền địa phương và nhân dân... Còn rất nhiều ngành có những cách làm độc đáo, sáng tạo trong việc giúp đỡ xã Thuận Lộc tiếp cận và hoàn thành nhanh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: Ngành chính sách giúp địa phương giải quyết nhanh chế độ chính sách, hậu phương quân đội (trong đó vận động các doanh nghiệp hỗ trợ xóa 14 nhà cho hộ nghèo và một nhà tình nghĩa tặng đối tượng chính sách); ngành quân y hỗ trợ các thiết bị y tế cho Trạm y tế xã (gồm 13 giường bệnh, 13 tủ bệnh nhân, 2 tủ đựng thuốc, một xe đẩy bàn tiêm). Anh Bùi Tuấn đánh giá:
- Việc hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh với địa phương trong xây dựng nông thôn mới thực sự là đòn bẩy, tiếp sức, động viên nhân dân vượt qua nhiều khó khăn hoàn thành 14/19 tiêu chí, quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là góp phần thiết thực nâng cao đời sống của người dân.
ĐỨC DỤC
Nguồn qdnd.vn