“Gần dân, giúp dân cùng giữ bình yên biên ải”
- Thứ sáu - 28/09/2012 21:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công
Từ câu chuyện tặng chiếc máy trộn bê tông, Đại tá Cao Đắc Cử cho biết, chỉ mới hơn một năm công tác trên cương vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, trong “hành trang người lính” đã “xếp” thêm biết bao những kỷ niệm đời thường vui có, gian khó có…Cái cách nói “oang oang”, “thẳng ruột ngựa” như đang giao nhiệm vụ cho chiến sĩ giữa thao trường của một cán bộ “quân sự” chính hiệu, được đào tạo tại Trường sĩ quan Lục quân 1 (nay l;à Trường Đại học Trần Quốc Tuấn), tưởng như rất khó nghe, ấy vậy lại rất có sức thu hút.
Đại tá Cao Đắc Cử. Ảnh: Nguyễn Hòa |
Ông Cử cho biết, trước khi đến Lào Cai ông đã đọc khá nhiều sách, tài liệu về tư tưởng, hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Ông rất tâm đắc với tư tưởng của Người: muốn làm tốt công tác dân vận thì phải thật sự yêu dân, kính dân, thương dân và hiểu dân, phải biết vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân.
Về nhận công tác tại Bộ CHQS tỉnh Lào Cai dịp cuối tháng 4-2011, đúng 2 ngày thì xảy ra “vụ Mường Nhé”. Sự việc như một phép thử với người chỉ huy mới. Ngay lập tức ông triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong Bộ CHQS tỉnh; lệnh cho chỉ huy quân sự ở các huyện phối hợp với các lực lượng, cấp ủy địa phương, bám sát địa bàn, nắm chắc hoạt động của các phần tử phản động, tăng cường tuyên truyền không để kẻ xấu kích động người dân kéo tới Mường Nhé. Kết quả trong vụ Mường Nhé, có rất ít thành phần là người dân tộc ở Lào Cai.
Sau “thử thách” đầu tiên, đến tháng 9-2011, lại một “phép thử” mới khi cấp trên quyết định Lào Cai tổ chức Diễn tập phòng thủ khu vực điểm. Muốn diễn tập được phải có thao trường. Vậy mà thao trường ở xã Xuân Quang lại bị khá nhiều hộ dân “biến” thành của “tư” từ những năm 90 của thế kỷ trước. Với tinh thần chủ động, tích cực, ông Cử đã tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư khu tái định cư, làm đường, chia đất sản xuất tại khu vực khác, trong khi đó, lực lượng quân đội tích cực tham gia vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, trả lại đất để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Bằng nhiều hình thức vận động có tình, có lý, người dân đã tin, nghe theo và tự nguyện di chuyển. Khu thao trường sau đó đã được chuẩn bị công phu, phục vụ tốt cho cuộc diễn tập. Kết quả cuộc diễn tập đã diễn ra hết sức thành công. Bộ CHQS tỉnh đạt loại xuất sắc. Đại tá Cao Đắc Cử ngay sau đó một tuần “giật” luôn giải Chỉ huy trưởng Bộ CHQS cấp tỉnh toàn quốc loại giỏi.
Bàn giao máy trộn bê tông cho đại diện lãnh đạo xã Nậm Chạc |
Khu thao trường được giao lại cho Bộ CHQS tỉnh quản lý. Với phương châm không để cho đất nghỉ, ông Cử lại cùng cán bộ, chiến sĩ “cày sâu cuốc bẫm” và ngay vụ đầu tiên, Bộ CHQS tỉnh đã thu tới hơn 20 tấn thóc, hơn 20 tấn ngô. “Uống nước nhớ nguồn”, sau khi gặt thóc về, Bộ CHQS tỉnh đã sát 1 tấn gạo để tặng lại cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. “Hạt gạo tuy nhỏ, nhưng 10 hạt gạo đã có một miếng cơm rồi. Bộ đội làm ra được hạt gạo cũng khó khăn, nhưng nghĩ bà con mình cũng còn nhiều khó khăn, bộ đội tặng gạo cho đồng bào, mong bà con bớt chút khó khăn”, Đại tá Cao Đắc Cử nói trong buổi lễ trao tặng quà cho người dân đúng dịp Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7.
Hôm trao quà cho người dân, một cụ bà lớn tuổi nhất đại diện cho số bà con lên nhận quà đã phát biểu khiến nhiều người xúc động: “Tôi không biết nói gì, bộ đội tốt lắm, bộ đội yêu dân, quý dân quá. Bộ đội còn biết san sẻ với dân. Bộ đội biết hy sinh vì dân, mình quý lắm. Mình được thế này, mình phải giúp đỡ bộ đội thôi. Người dân chỉ biết nói thế thôi”, cụ bà run run gạt giọt nước mắt đang lăn trên má nói.
Luôn chú trọng đúng mức công tác tăng gia sản xuất, song Đại tá Cao Đắc Cử cho biết, Lào Cai là tỉnh biên giới, tình hình luôn phức tạp, có tuyến biên giới dài, buôn bán thông thương với nước bạn, phát triển giữa các huyện, thị không đồng đều, vì vậy công tác nắm tình hình, bảo đảm SSCĐ, huấn luyện quân sự và giúp đỡ bà con dân tộc trong khu vực được đặt lên hàng đầu.
Những con đường lầy lội ở Nậm Chạc. Ảnh: Nguyễn Hòa |
Theo Đại tá Cử, đã giúp dân, phải thiết thực, có hiệu quả. Ông Cử lấy dẫn chứng việc tặng máy trộn bê tông cho xã Nậm Chạc: “Tặng máy không thì chưa đủ, phải hướng dẫn kỹ thuật, cùng làm, cùng giám sát, công trình mới có chất lượng cao”. Ông cho biết, thời gian gần đây, Đoàn kinh tế 345, trực thuộc Bộ CHQS tỉnh là một trong những mô hình vừa làm kinh tế, vừa bám dân rất hay. Tình hình an ninh-quốc phòng ở 6 xã, nơi được đoàn kinh tế 345 phụ trách đã có chuyển biến rõ rệt. Cách làm vừa triển khai các dự án quốc phòng vừa giúp người dân phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng đã thu hút nhiều người dân ra sống, bám trụ ở khu vực biên giới. “Đã giúp dân là phải giúp đến cùng. Đi sâu, đi sát, bám nắm hằng ngày, dân hiểu và tin thì mọi động thái dù nhỏ nhất, dân sẽ cho ta biết”, Đại tá Cử chia sẻ.
Thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn phức tạp như Lào Cai đòi hỏi bản lĩnh, nghiệp vụ tinh thông, cương quyết và khôn khéo của cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh. Lấy dẫn chứng về sự nhanh nhạy, cương quyết, kịp thời trong một số vụ việc gần đây ở xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, ông Cử cho biết: Theo tin báo từ cơ sở, ở xã xuất hiện trở lại hiện tượng truyền đạo trái phép; kích động dân di cư; một số người dân ở các bản khó khăn nhẹ dạ nghe theo và có ý định tập hợp theo sự chỉ đạo của kẻ xấu. Không quản giá rét, ngay trong những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, ông Cử dã đích thân cùng một số lực lượng lên ăn, ở cùng dân. Các đội công tác được chia nhỏ tới từng bản tranh thủ vận động giải thích cho nhân dân, rằng phải có làm mới có ăn. Đảng, Nhà nước biết bà con còn nghèo, sẽ có các chính sách hỗ trợ. Song bà con phải tin ở Đảng, theo Đảng, không nghe kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ mất đoàn kết, hậu quả sẽ là mất đất, không có chỗ dung thân. Bộ đội ở lại với dân một tuần. Qua Tết, bình yên trở lại với Tả Giàng Phình.
Cứu hỏa, dập dịch như đánh trận
Trước khi diễn ra chuyện ở Tả Giàng Phình, từ giữa tháng 10-2011, tại đây đã xảy ra dịch tả. Nguyên nhân chính được xác định, do vệ sinh bẩn, chất thải vệ sinh ô nhiễm đầu nguồn nước. Lúc đó đã có một số người chết vì tiêu chảy. Thấy tình huống khẩn cấp, ông Cử chỉ đạo tổ chức các đội quân y, hậu cần lập thành một đoàn công tác tới phối hợp dập dịch. Khi Đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh tới, một số cán bộ tại địa phương cho biết: Dịch rất nguy hiểm, trong đó có người chết rồi. Thủ trưởng cần cần thận, tốt nhất không nên vào. “Ngay lập tức tôi phản đối ý kiến trên. Mình là bộ đội của dân, mình phải sống chết vì dân, tôi phải vào. Vào đó xem tình hình thế nào, để kịp thời lên phương án cứu chữa nhân dân, dập dịch”, ông Cử cương quyết nói.
Khi vào tới nơi, nhiều người dân rất cảm động hỏi, cán bộ không sợ dịch à? Ông Cử trả lời: “Tôi sẽ sống với dân. Dân khổ, bộ đội cũng khổ lắm chứ. Bộ đội sẽ giúp đỡ nhân dân đến cùng”. Quan điểm đó, sau tôi cũng nói lại với bộ phận dập dịch của tỉnh và huyện. Tôi còn nói, nếu cần thiết Quân khu, tỉnh sẽ chi viện tối đa để cứu chữa nhân dân. Dập dịch cũng phải như đánh trận.
Tương tự là vụ cháy rừng ở Séo Mí Tỷ hồi đầu tháng 3-2012. Chính nhờ sự cương quyết, bố trí “quân” chữa cháy hợp lý bằng lực lượng dân quân tại chỗ đã “chiến thắng giắc lửa”.
Một góc xã Nậm Chạc đã được bê tông hóa. Ảnh: Nguyễn Hòa |
Kể về trận chiến với “giặc lửa” ở Séo Mí Tỷ, ông Cử cho biết: Trong tình huống cấp bách, nhiều ý kiến đưa ra lấy lực lượng quân đội thuộc Quân khu 2 đưa lên để dập lửa, nhưng ông không đồng ý. Vì bộ đội chính quy phải hành quân quá xa, vì vậy sẽ chậm trễ. Tốt nhất là theo phương châm “4 tại chỗ”, lấy dân quân tại địa phương, họ khỏe, thông thạo địa hình, lại quen dập lửa kiểu này nhiều lần. Ngày 5-3, mệnh lệnh được phát qua hệ thống truyền thanh các thôn, xã. Lực lượng dân quân cơ động của các huyện, xã đã tập trung. 12 giờ đêm ngày 5-3, lực lượng chữa cháy “tại chỗ” này được đưa tới vùng cháy bằng ô tô. Công tác hậu cần, bảo đảm hết sức chu đáo, kết quả, 14 giờ 30 phút ngày 6-3, đám cháy đã được không chế hoàn toàn.
Không chỉ vất vả chiến đấu với “giặc lửa”, cuộc chiến với “giặc thủy” cũng gian nan không kém. Ngay sau khi xảy ra trận lũ cuối tháng 8-2012 ở xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, bộ đội Bộ CHQS tỉnh đã cho triển khai các đội tìm kiếm xác nạn nhân, người mất tích và tài sản giúp nhân dân. Quá trình tìm kiếm vô cùng vất vả. “Có khi phải lật từng viên đá, bới những búi rác xem còn gì xót lại, có ai bị mắc vào không…tay anh em nhiều người bật máu, nhưng vẫn phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm xem may ra còn người sống. Bản thân tôi cũng xông vào mà đào, mà bới. Nói thật, chỉ có thật lòng tâm huyết với người dân mới lăn lê, mới dùng tay mà đào, mà bới mong sao còn chút hy vọng…”, Đại tá Cử tâm sự.
Về tình đồng chí đồng đội, về những chiến sĩ dưới quyền, ông luôn giữ quan điểm thương đồng đội là đừng làm phiền đồng đội. “Mình là chỉ huy, phải biết thương, biết vun vén cho anh em, đừng vụ lợi, cá nhân, đồng đội mình còn nhiều người vất vả hơn mình”, ông Cử nói. Vẫn biết, những suy, việc làm của Đại tá Cao Đắc Cử đều nằm trong chức trách của một người chỉ huy, một người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, song tôi vẫn muốn kể ra đây…
NGUYỄN HÒA
Theo qdnd.vn