Khó như khuyến ngư lên núi

Khó như khuyến ngư lên núi
Nhờ chương trình khuyến ngư, giờ đây không ít những hộ đồng bào dân tộc miền núi có thêm nguồn thu nhập từ nuôi trồng thủy sản để cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Song để làm được điều này không phải dễ.

Tiềm năng lớn

Với điều kiện sông, suối, ao hồ khá thuận lợi, các tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đặc biệt, các tỉnh miền núi phía Bắc. Diện tích đất ngập nước ở vùng này là hơn 140.000 ha, trong đó, có thể sử dụng trên 110.000 ha NTTS. Song diện tích sử dụng hiện nay chỉ chiếm gần 50% diện tích tiềm năng.

Nuôi cá trong ao, hồ nhỏ là cách nuôi chủ yếu của đồng bào miền núi. Việc áp dụng kỹ thuật trong nuôi thủy sản ở loại mặt nước này ngày càng tiến bộ. Không chỉ nuôi cá chép, trắm cỏ, mà còn nuôi các thủy sản mới khác như cá chép lai, trôi, rô phi đơn tính, tôm càng xanh. Nước trong ao từ tầng mặt, tầng giữa và đáy ao đều được sử dụng có hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những lợi thế phát triển NTTS ở các tỉnh miền núi là diện tích mặt nước hồ thủy điện lớn như hồ Thác Bà (Yên Bái), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Sông Đà (Hòa Bình - Sơn La), hồ thủy điện Sơn La (Sơn La), hồ Cấm Sơn (Bắc Giang), hồ Đa Nhim (Lâm Đồng), hồ Hàm Thuận - Đa Mi (Lâm Đồng - Bình Thuận)... Tại các hồ chứa cùng với việc thả cá giống vào các hồ lớn, quản lý nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, còn sử dụng đặt bè, lồng nuôi thủy sản.

Bà con xã Chiềng Bằng nuôi cá lồng tại hồ thủy điện Sơn La - Ảnh: Đức Tuấn

Bên cạnh đó, lực lượng lao động miền núi sau mỗi mùa vụ nhàn rỗi khá đông, lại được tận tay chỉ việc, nên nhiều hộ dân ở đây đã đào ao, đắp hồ khá bài bản để nuôi cá nước ngọt, không những cải thiện nguồn thức ăn hàng ngày mà còn tăng thu nhập.

 

Thách thức không nhỏ

Mặc dù có nhiều tiềm năng, song hoạt động khuyến ngư khu vực miền núi còn rất khó khăn do địa bàn quá rộng, giao thông cách trở, nhân lực vừa thiếu vừa yếu, sự liên kết vùng miền còn rời rạc, công tác kiểm tra giám sát còn yếu... Bà Hoàng Thùy Minh, Phó Liên chi Hội Nghề cá Điện Biên cho biết, khó khăn lớn nhất của Điện Biên nói chung, cũng như các tỉnh miền núi trên cả nước là làm thế nào để chuyển biến nhận thức cho đồng bào miền núi, bởi nuôi cá vẫn là chuyện khá mơ hồ đối với họ. Nhiều cán bộ khuyến ngư ở các tỉnh miền núi đã phải kiên trì làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” bằng việc liên tiếp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho đồng bào.

Cùng với đó là chọn đối tượng, xây dựng mô hình, đồng thời hỗ trợ 100% con giống làm điểm, từ đó nhân rộng ra. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của những nuôi cá nước ngọt trên vùng cao, Trung tâm Khuyến ngư các địa phương đang định hướng cho các hộ chuyển dần sang nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế cao như cá rô phi đơn tính, cá lóc, cá chình, tôm càng xanh, baba gai...

 

Hướng làm đúng

Trong những năm qua, nhiều chương trình, dự án được triển khai đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện được đời sống cho người dân, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình đã thoát nghèo như gia đình chị Phạm Thị Chuyên, dân tộc Hrê, thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) trước đây thường xuyên phải chạy lo từng bữa ăn, nhưng nay đã khác, chị Chuyên cho biết, giờ cá ao nhà rất sẵn, khi cần gia đình sẽ bán một ít cải thiện bữa ăn hàng ngày, lúc bán nhiều thì để mua sắm đồ dùng... Nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt hiện đang từng bước được nhân rộng ra khắp huyện, xã ở các tỉnh miền núi nước ta như: mô hình nuôi cá trong ruộng lúa của gia đình ông Chèo Y Chỉn, thị trấn Sìn Hồ (Lai Châu), năng suất thu hoạch 5 tấn/ha hay mô hình nuôi cá chim trắng của anh Quách Hùng Tiến ở xã Văn Tiến, huyện Trấn Yên (Yên Bái)...

Từ những kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia đã phối hợp với các tỉnh miền núi tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo và tham quan mô hình thực tế. Nội dung tập huấn tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm, kỹ thuật chế biến thức ăn quy mô nông hộ, các biện pháp phòng trị bệnh cá, bảo vệ môi trường sinh thái ao nuôi, từ đó dần dần nâng cao trình độ kỹ thuật cho người dân. Ngoài ra còn phối hợp với địa phương triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức như tài liệu, băng hình, phát sóng trên truyền hình... để phổ biến và giúp bà con ứng dụng vào sản xuất. Tính đến hết năm 2006, diện tích nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền núi đã lên đến 90.952 ha, chiếm khoảng 9% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước, bằng 30% diện tích tiềm năng. Sản lượng thủy sản của các tỉnh miền núi đạt 156 nghìn tấn, bao gồm 110 nghìn tấn sản phẩm nuôi và 46 nghìn tấn khai thác tự nhiên. Đến năm 2012, sản lượng nuôi trồng thủy sản của 14 tỉnh phía Bắc đạt hơn 73.000 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản của nhiều tỉnh đạt hơn 5.000 tấn như Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái...

Công tác xóa đói giảm nghèo là một chương trình quốc gia liên quan đến nhiều bộ, ngành, chính quyền các địa phương, huy động nhiều nguồn lực; Nhờ nhiều chương trình đầu tư cho miền núi của Đảng và Nhà nước đã từng bước nâng cao đời sống cho người dân ở đây. Và chương trình khuyến ngư lên núi  cũng là một cách để đồng bào miền núi sớm thoát nghèo, có cơ hội vươn lên làm giàu.

>> Tổng kinh phí dành cho Chương trình khuyến ngư giai đoạn 2011 - 2015 là 102,1 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên các dự án phát triển nuôi cá truyền thống, cá hồ chứa tại các tỉnh miền núi; Xây dựng mô hình ương giống thủy sản cho các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa; xây dựng mô hình ương nuôi khoảng 60 ha các đối tượng cá truyền thống...

Vũ Mưa (thuysanvietnam.com.vn)