Khuyến nông ngày càng quan trọng với sản xuất
- Thứ tư - 29/02/2012 23:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về phương hướng phát triển ngành trong thời kỳ mới, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Thưa ông, trong năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?
- Trong năm 2012, chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính, đó là tiếp tục đề xuất với các bộ, ngành chỉnh sửa một số chính sách đối với khuyến nông (KN), trong đó có cả các vấn đề về tổ chức, nhiệm vụ và đặc biệt là các cơ chế chính sách đối với các đối tượng nông dân khác nhau, các tổ chức tham gia KN.
Sản xuất hàng hóa lớn rất cần có khuyến nông hỗ trợ. |
Cụ thể, chúng tôi sẽ đề xuất chỉnh sửa Nghị định 02, Thông tư 183 và Thông tư 38 của Bộ NNPTNT. Đối với các địa phương cần đề xuất với tỉnh ban hành, chỉnh sửa các chính sách về KN, đặc biệt là sự đầu tư cho KN cần tăng cường hơn nữa.
Mặt khác, cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó có nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất. Để thực hiện được điều này, hệ thống KN nói chung và Trung tâm KN Quốc gia nói riêng cũng phải bám sát chủ trương này, để xây dựng các dự án, đề xuất với Bộ phê duyệt, bám vào nội dung tái cơ cấu sản xuất từng lĩnh vực một, trong đó trọng tâm là tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ, tăng cường giá trị của sản phẩm.
Chúng tôi cũng xác định phải chuẩn bị đầy đủ về mặt con người, cơ sở vật chất để cả hệ thống KN tham gia vào các chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956.
Chức năng của KN từ trước đến nay là đào tạo, tập huấn cho nông dân, vậy khi được giao đào tạo nghề, ngành KN sẽ thực hiện như thế nào?
- Năm 2012, Chính phủ sẽ giao cho Bộ NNPTNT chủ trì toàn bộ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Vì vậy, các trung tâm KN cơ sở cần phải làm các thủ tục pháp lý, chứng minh được mình đủ điều kiện đào tạo các cán bộ giảng dạy để sau khi học được cấp chứng chỉ của Bộ LĐTBXH.
Hiện nay đã có 86 dự án, trong đó Trung tâm KN Quốc gia đang quản lý 29 dự án, chúng tôi đang làm kế hoạch để triển khai đến các địa phương. Nhiệm vụ quan trọng nữa là chúng tôi chủ trì cùng với các đơn vị của Bộ NNPTNT để đánh giá hiệu quả của các chương trình KN quốc gia giai đoạn 2006 – 2011. Từ đó đề xuất nhu cầu, các chương trình KN trọng điểm trong giai đoạn tới.
Đề xuất tái lập Cục Khuyến nông
Theo ông Phan Huy Thông, tại Nghị định 02, Chính phủ đã giao cho Bộ NNPTNT thực hiện 7 nhiệm vụ, từ xây dựng, hoạch định cơ chế chính sách, chiến lược KN cho cả nước. Để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ này, bắt buộc phải thành lập Cục Khuyến nông-lâm-ngư. Việc tái lập Cục KN để thực hiện vai trò quản lý nhà nước và có thể có các trung tâm sự nghiệp sẽ tạo ra cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức bộ máy, các đề án, các chương trình lớn để định hướng cho công tác KN chung toàn quốc thống nhất đầu mối, thống nhất nguồn lực.
Ông nghĩ sao về con số, trung bình 280 hộ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, nhưng chỉ có 1 cán bộ KN và chế độ đãi ngộ cũng rất thấp?
- Con số này, nếu so với một số nước như Trung Quốc, Thái Lan… không phải là thấp, nhưng cái chính là các nước họ tạo nhiều điều kiện cho cán bộ KN hoạt động thuận lợi hơn. Với con số này ở đồng bằng có thể phù hợp, nhưng miền núi thì cần tăng dần lên, đồng thời cần đào tạo cán bộ KN chuyên sâu, sâu một việc, nhưng biết nhiều việc, để khi xuống với nông dân họ hỏi gì cũng có thể trả lời, giúp đỡ họ được.
Thứ nữa là, cần trang bị phương tiện kỹ thuật, phương tiện đi lại, chế độ đãi ngộ để họ toàn tâm, toàn ý với công việc. Hệ thống KN hiện có hơn 30.000 cán bộ trên toàn quốc (kể cả của các cơ quan nhà nước hay các thôn bản), nhìn chung điều kiện hoạt động gặp rất nhiều khó khăn nhất là các cán bộ khuyến nông cơ sở ở vùng sâu, vùng xa. Có những nơi, phụ cấp cho 1 cán bộ KN chỉ có 100.000 - 200.000 đồng/tháng trong khi điều kiện đi lại ở những địa phương này lại xa xôi và cách trở.
Xin cảm ơn ông!
Theo danviet.vn