Lão nông hiến tiền tỷ làm đường

Lão nông hiến tiền tỷ làm đường
Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đang dấy lên mạnh mẽ ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn thành phố. Thành công bước đầu của phong trào có đóng góp không nhỏ của những cá nhân, tập thể đã góp công, góp của xây dựng quê hương. Đặc biệt, ở thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai có những nông dân góp gia tài trị giá hàng tỷ đồng để làm đường, khiến nhiều người cảm phục.
 
Ông Phùng Mạnh Thực chăm sóc vườn bưởi sau kỳ thu hoạch.
Ông Phùng Mạnh Thực chăm sóc vườn bưởi sau kỳ thu hoạch.

Đến xã Hòa Thạch, hỏi về lão nông Phùng Mạnh Thực hiến đất làm đường thì ai cũng biết. Theo sự chỉ dẫn của người làng, qua những con đường mới sạch sẽ, những ngôi nhà ngăn nắp, chúng tôi tìm đến nhà ông Thực. Đã bước sang tuổi 67, dáng người nhỏ bé, ông Thực thoăn thoắt tung thóc cho đàn gà ăn, rồi quay sang rút rơm cho bò. Rời tay, ông lại vác cuốc ra vườn vun gốc cho những cây bưởi Diễn. "Thời tiết đã vào xuân, phải tranh thủ làm cỏ, bón phân để cây bưởi có lực ra thật nhiều nụ, nở thật nhiều hoa, đón mùa bưởi mới"- ông Thực cho biết. Ông Thực kể: Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, với tinh thần thanh niên "ba sẵn sàng", ông lên đường nhập ngũ. Trong một trận chiến, ông bị một mảnh đạn xuyên qua sườn, phải cắt đi một quả thận, sức khỏe giảm sút hẳn. Đến năm 1970, ông được xuất ngũ trở về địa phương, hưởng chế độ thương binh hạng 4/4, với tỷ lệ thương tật 21%. 

Vượt lên mọi khó khăn, nhất là khi vết thương tái phát khi thời tiết thay đổi, ông Thực luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ và lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", vươn lên ổn định cuộc sống và tham gia công tác xã hội. Mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn cùng với 2 thành viên khác trong gia đình làm hơn 1 mẫu ruộng, trồng 70 gốc bưởi Diễn, nuôi 2 con lợn, 1 bò nái cùng đàn gà vài chục con. Vụ Tết vừa rồi, chỉ với 70 gốc bưởi Diễn đã mang lại cho gia đình ông 50 triệu đồng tiền bán quả. 

Đề cập đến chuyện hiến 758m2 đất trị giá gần 1 tỷ đồng để làm giao thông nội đồng, mắt ông sáng lên: "Tôi là người lính Cụ Hồ, lại là một thương binh và Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của xã, vì thế mình phải gương mẫu đi đầu để con cháu học tập và vận động những người xung quanh. Năm 2013, giao thông nội đồng thôn, xóm của xã Hòa Thạch hầu hết còn chật hẹp và chưa được cứng hóa, việc đi lại của nhân dân và các phương tiện gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Khi có chủ trương dồn điền, đổi thửa, thấy thôn phát động hiến đất làm đường, xây dựng NTM, bản thân tôi nhận thấy, xây dựng NTM chính là phục vụ cho gia đình mình, anh em, họ hàng và bà con làng, xã quê mình nên đã tích cực hưởng ứng, hiến 758m2 đất tại tờ bản đồ số 12, số thửa 26 tại xứ Đồng Gò Nhà Hạc. Đây là ruộng gia đình vẫn trồng rau màu để tăng thêm nguồn thu nhập. 

Hiện tại, tuyến đường đã được mở mới với chiều dài gần 2km, chiều ngang 4m, xe cơ giới có thể dễ dàng ra đồng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Việc làm của thương binh Phùng Mạnh Thực cũng đã trở thành tấm gương điển hình, tiêu biểu được biểu dương trong các buổi họp về triển khai xây dựng NTM ở địa phương. Từ sự gương mẫu của bản thân, ông Thực cùng lãnh đạo xã, thôn vận động nhân dân đồng sức, đồng lòng tham gia xây dựng NTM bằng mọi hình thức như ủng hộ bằng tiền, ngày công, hiện vật, hiến đất… Đến nay, thôn Hòa Trúc đã có gần 100 hộ hiến đất làm hạ tầng nông thôn. Ông Hoàng Hồng Quân, Trưởng thôn Hòa Trúc cũng đã hiến 1 sào đất vườn; cựu chiến binh Hoàng Văn Ngạn hiến 500m2 đất nông nghiệp...

Khi mỗi tấc đất đã trở thành những tấc vàng thì việc những người nông dân hiến, tặng hàng trăm mét vuông đất, trị giá hàng tỷ đồng đất là điều rất đáng biểu dương. Xã Hòa Thạch là vùng quê đồi gò, bán sơn địa, canh tác nông nghiệp khó khăn, đời sống người dân chưa phải đã giàu, song rất giàu tình yêu quê hương. Tinh thần đó đã và đang được dấy lên trong phong trào xây dựng NTM. Hiện các trục đường chính ở xã Hòa Thạch đã được cứng hóa, nhà văn hóa thôn Hòa Trúc cũng đã được xây dựng khang trang, người dân đang rất sôi nổi nhận ruộng sau dồn điền, đổi thửa để kịp sản xuất vụ xuân.