Mái ấm cho người nghèo
- Thứ ba - 12/02/2013 23:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hơn nửa triệu mái ấm 167 đã được xây cho người nghèo |
Tìm đến gia đình bà Lâm Thị Bỉnh ở ấp Trường Thọ, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, ngôi nhà vẫn còn thoảng mùi sơn tường mới. Bà Bỉnh tâm sự: “Nhiều năm nay, mẹ con tôi luôn thấp thoảng lo âu bởi căn nhà lá đã siêu vẹo chỉ trực đổ. Làm thuê theo thời vụ, số tiền kiếm được chỉ gọi là tạm đủ ăn nên tôi chẳng thể cất nổi một ngôi nhà đàng hoàng".
“Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới có được ngôi nhà khang trang để an cư, lạc nghiệp", bà Bỉnh xúc động nói.
Tại tỉnh Sơn La, trao đổi với ông Ngô Đình Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Một, huyện Sông Mã được biết ngay trước Tết Quý Tỵ, xã đã tập trung chỉ đạo các bản giúp 42 hộ trong kế hoạch xóa xong nhà tạm.
Theo khảo sát của phóng viên, tính đến hết năm 2012, các địa phương trong cả nước đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ gia đình được sống trong căn nhà mới. Trong đó, có 37 tỉnh, thành hoàn thành vượt kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt nhiều địa phương dù còn khó khăn nhưng cả hệ thống chính trị đã quyết tâm chăm lo cho đồng bào có mái ấm để an cư lạc nghiệp, điển hình như: Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau…
Nhờ vậy, chỉ sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có gần 520 nghìn hộ nghèo có nhà ở ổn định, từng bước nâng cao mức sống.
Các căn nhà được xây dựng bằng vật liệu có chất lượng tốt: khung nhà bằng bê tông cốt thép hoặc bằng gỗ, tường nhà xây gạch; mái lợp ngói... Kiểu dáng, kiến trúc nhà ở phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương. Những ngôi nhà này hầu như đã được quen với 1 tên gọi chung là “nhà ở 167”.
Nhìn lại 3 năm thực hiện chương trình, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nói: Chủ trương của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình cao của cả hệ thống chính trị và niềm tin, niềm vui của những người dân nghèo. Bởi trong mỗi gia đình, ngôi nhà còn thể hiện thước đo về chất lượng cuộc sống. Mỗi chúng ta đều chia sẻ với những khó khăn của những người nghèo phải sống trong căn nhà dột nát, mùa đông thì lạnh lẽo, mùa hè thì nóng bức ngột ngạt.
Còn lãnh đạo tỉnh Trà Vinh thì khẳng định: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã phát huy hiệu quả, cuộc sống người dân nghèo ở nông thôn từng bước được ổn định. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer, có được căn nhà ổn định để ở, đồng bào như được tiếp thêm sức sống, động lực mới để phát huy nội lực vươn lên thoát khỏi đói, nghèo.
Như ông Hoàng Cao Giáp, Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định: Thực tế cho thấy, do có nhà ở an toàn, ổn định, các hộ nghèo đã được an cư, lạc nghiệp, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Không những thế, chương trình nhà ở 167 còn khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc người nghèo, giúp đỡ người có công, xây dựng tình cảm gắn bó, đoàn kết anh em dòng họ, gắn kết tình làng nghĩa xóm trong mỗi thôn bản. Việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở khang trang, thay thế cho các căn nhà đơn sơ, dột nát cũng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Giáp cho biết thêm, hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ phê duyệt và ban hành chính sách tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 167 giai đoạn 2) với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho khoảng nửa triệu hộ nghèo. Trong đó, dự kiến nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng nhằm tạo điều kiện để các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững...
Trần Mạnh – Kim Huệ thực hiện
Theo chinhphu.vn