Những công trình “ba nguồn vốn, bốn lực lượng”

Những công trình “ba nguồn vốn, bốn lực lượng”
Hàng trăm hộ gia đình vùng biên giới tỉnh Quảng Bình vui đón Tết trong những ngôi nhà mới, cùng những công trình sinh hoạt cộng đồng, nước sạch, nhà vệ sinh và những cánh đồng lúa nước… Đó là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm và cách làm sáng tạo của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai các công trình, dự án giúp đồng bào thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Từ “bản văn hóa kiểu mẫu”…
Từ xa, bản Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nổi bật với những ngôi nhà, công trình mới. Nơi này, từng đặt Sở chỉ huy Binh đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là điểm xuất phát của những đoàn quân gùi, thồ vũ khí, hàng hóa chi viện cho các chiến trường... Sau ngày đất nước hòa bình, người dân Làng Ho phải vật lộn với muôn vàn gian khó. Chia sẻ với khó khăn của đồng bào, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đề ra chủ trương và quyết tâm giúp đồng bào ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Qua chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức, cùng sự ủng hộ, nhất trí của chính quyền, “Đề án quy hoạch cụm dân cư bản Làng Ho” của Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã được triển khai thực hiện với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, do Tổng công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn tài trợ.
Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó chính ủy BĐBP Quảng Bình, Trưởng ban quản lý đề án cho biết: “Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng với chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình và trực tiếp thực hiện là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, sau gần 2 năm, các hạng mục của đề án như: Nhà văn hóa, Trạm quân dân y kết hợp, cổng chào, 33 căn nhà gỗ và 37 công trình vệ sinh của từng hộ gia đình… đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của đồng bào trong dịp Xuân mới…”.
Cán bộ, chiến sĩ giúp người dân làng Ho dựng nhà mới.
Các hạng mục công trình hoàn thành kịp thời đưa vào sử dụng, là việc làm thiết thực góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt cho đồng bào. Trạm quân dân y kết hợp sau hơn nửa năm hoạt động đã khám, chữa bệnh cho gần 1000 lượt người. BĐBP còn hướng dẫn từng gia đình quy hoạch vườn, trồng cây ăn quả, rau màu, ổn định nơi ở mới. Trước sự đổi thay của bản mình, già làng Hồ Cao bộc bạch: “Người dân Làng Ho giờ đây đã có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, được khám chữa bệnh và ở trong những ngôi nhà mới, có nước sạch. Già và người dân trong bản vui lắm! Cảm ơn Đảng, Nhà nước, BĐBP nhiều!”. Tham gia thực hiện “Đề án quy hoạch cụm dân cư bản Làng Ho” từ những ngày đầu, Thượng tá Đặng Ngọc Tiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Ho cho biết: Mong muốn của BĐBP tỉnh là nơi đây sẽ trở thành “bản văn hóa kiểu mẫu”, điểm sáng văn hóa để đồng bào gắn bó cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới…”.
… đến những cánh đồng lúa nước
Với quan điểm giúp đồng bào “cái cần câu” thay vì cho “con cá”, BĐBP Quảng Bình đã triển khai nhiều dự án trồng lúa nước giúp đồng bào phát triển sản xuất. Trở lại Đồn Biên phòng Cà Xèng - đơn vị “điển hình” giúp đồng bào Rục tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa) trồng lúa nước lần này, chúng tôi không còn phải đi trên chiếc “thuyền không đáy” (chiếc phao hình chữ nhật, rỗng ở giữa) và đu dây ngang qua suối vào đồn như mùa mưa cuối năm ngoái. Một cây cầu bằng bê tông kiên cố do BĐBP làm chủ đầu tư xây dựng đã hoàn thành, nối từ Đường Hồ Chí Minh vào tới các bản của đồng bào Rục. Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng phấn khởi nói: “Với dự án hơn 5 tỷ đồng, BĐBP đã hoàn thành cánh đồng lúa nước rộng hơn 10ha, mỗi năm 2 vụ cho thu hoạch 40 tạ/héc-ta. Sau thời gian kiên trì hướng dẫn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, chúng tôi đã hoàn thành chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước cho bà con. Việc chuyển từ mô hình “hợp tác xã” do Ban chỉ huy đồn tổ chức sang “khoán mười” chia ruộng đến từng gia đình, khiến người dân phấn khởi sản xuất. Tết này, trên bàn thờ trong mỗi gia đình của bà con còn có thêm bánh chưng, bánh tét… được làm từ những hạt gạo dẻo thơm nhờ cánh đồng lúa nước.   
 
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng giúp đồng bào thu hoạch lúa.
Cùng đi với chúng tôi trong chuyến công tác, Trung tá Đinh Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, cho biết thêm: Để dân tin, dân làm theo, BĐBP đã triển khai “thí điểm” trồng lúa nước ở bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch (Bố Trạch) trên diện tích 1,2ha và bản Tân Ly, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) 2,2ha...
Trồng lúa nước, trồng cao su, trồng rừng kết hợp với phát triển chăn nuôi… là cách làm chủ đạo của BĐBP Quảng Bình giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng chí Cao Văn Định, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết: Việc BĐBP giúp đồng bào Rục đã tạo ra bước chuyển đổi từ “cắt, đốt, cốt, trỉa”, sang trồng lúa nước, góp phần định canh, định cư, ổn định bền vững và có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội to lớn đối với địa phương. Đây cũng là cách làm hiệu quả chung tay xây dựng nông thôn mới …
Kinh nghiệm quý
Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn biên giới, từ năm 2008 đến nay, BĐBP Quảng Bình đã hoàn thành hàng chục công trình, dự án góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều bản làng, nâng cao đời sống của hàng trăm hộ gia đình. Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình chia sẻ: “Qua rút kinh nghiệm chúng tôi đã đúc kết ra “công thức” rất ngắn gọn, dễ nhớ để thực hiện các công trình, dự án giúp đồng bào, là “ba nguồn vốn, bốn lực lượng”.
Ba nguồn vốn gồm: Vốn của chính quyền địa phương; của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ và của BĐBP. Bốn lực lượng tham gia là: Cán bộ, chiến sĩ BĐBP; nhân dân địa phương; cán bộ chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các nhà tài trợ. Khó khăn lớn nhất là việc huy động nguồn vốn; hơn nữa, cán bộ, chiến sĩ BĐBP chưa có kinh nghiệm về lập dự án, vận động tài trợ ra sao, cấy lúa, làm nhà..., mà đều phải mày mò, tìm hiểu, học hỏi, thử nghiệm với yêu cầu làm phải chắc thắng, có chất lượng để cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng, ghi nhận và đồng thuận làm theo”. Theo Chính ủy BĐBP Quảng Bình, Đại tá Hồ Thái Sơn: BĐBP tỉnh đã “dùng người đúng việc”, phát huy khả năng, sáng tạo của từng cán bộ, chiến sĩ trong mỗi công việc, nhiệm vụ với trách nhiệm chính trị cao, cùng tấm lòng thương yêu, sẻ chia, giúp đỡ đồng bào…”.
Quá trình thực hiện, BĐBP Quảng Bình dựa chắc vào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, nhất là phối hợp chặt chẽ với MTTQ các cấp huy động nguồn vốn và lực lượng. Chỉ trong một thời gian ngắn, BĐBP và MTTQ tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi tài trợ được hơn 6,4 tỷ đồng và 9000kg gạo. Cùng với các công trình, dự án, BĐBP tỉnh còn xây dựng được 258 nhà đại đoàn kết, 4 trạm kết hợp quân dân y, hàng chục nhà văn hóa và công trình nước sạch cho đồng bào. Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Bình, ông Lê Hùng Phi nhận xét: “BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ triển khai nhiều mô hình, dự án hiệu quả, thiết thực giúp đồng bào phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, qua đó tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”.
Đầu năm 2013, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã kịp hoàn thành, bàn giao thêm 15 ngôi nhà mới cho đồng bào bản Ka Ai; triển khai thực hiện dự án sản xuất lúa nước kết hợp cấp nước sinh hoạt cho các bản Ka Ai, Ka Vàng, xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa), với kinh phí đầu tư 5,7 tỷ đồng. Các dự án xây dựng Trạm kết hợp quân dân y, Nhà văn hóa và 20 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách ở các địa phương khác cũng đã hoàn thành lập quy hoạch, mang đến niềm vui cho đồng bào các bản làng biên giới khi Tết đến, Xuân về...
Bài và ảnh: VŨ XUÂN DÂN
Theo qdnd.vn