Tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất: Du nhập nghề mới
- Thứ năm - 29/03/2012 20:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu các KCN, KCX đang là nhu cầu bức thiết. |
Bỗng dưng tay trắng
Gia đình ông Trần Văn Thường (Văn Lâm - Hưng Yên) có hơn 1 mẫu ruộng. Không có nghề phụ, cuộc sống của gia đình ông chủ yếu trông chờ vào 2 vụ lúa. Khi huyện có chủ trương xây dựng khu công nghiệp, phần lớn ruộng nhà ông nằm trong diện phải thu hồi. Mặc dù mức đền bù không nhiều nhưng ông vẫn vui vì nghĩ rằng 3 đứa con sẽ được nhận vào làm công nhân trong các nhà máy, còn khoản tiền đền bù hơn 300 triệu đồng vợ chồng ông sẽ gửi vào ngân hàng lấy lãi hàng tháng, không còn cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Chính vì vậy, ông Thường nhanh chóng hoàn tất các thủ tục rồi nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, đang trong cảnh túng thiếu, khi có tiền, các con ông nghĩ ra đủ mọi viễn cảnh, đứa nào cũng cần trang bị từ xe máy đẹp cho đến điện thoại di dộng xịn. Chỉ hơn một năm, vợ chồng ông đã phải vài lần ôm tiền đi trả nợ cho con. Số tiền đền bù đã gần cạn mà nhà máy vẫn chưa thấy mọc lên, vợ chồng ông đành phải dắt díu nhau lên thành phố kiếm kế mưu sinh.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết: "Giải quyết việc làm cho người dân thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp đã và đang trở thành vấn đề cấp bách hiện nay nhằm bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự".
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cứ 1ha đất bị thu hồi sẽ khiến 13-15 lao động nông nghiệp bị mất việc. Trong 5 năm (2006-2010), cả nước có khoảng 200.000ha đất bị thu hồi đồng nghĩa với việc gần 2,5 triệu lao động mất việc làm. Chưa kể số lao động thiếu việc làm ở nông thôn hiện nay chiếm tỷ lệ khá cao, gần 30% và nông dân có tới 3 - 4 tháng nông nhàn/năm.
Nhiệm vụ cấp bách
Theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Trường Đại học Lao động Xã hội, hiện nhu cầu sử dụng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất rất lớn, việc đào tạo, dạy nghề cho lao động mất đất phải được coi là hướng đi trọng điểm. Tuy nhiên, cần chú trọng việc bổ túc văn hoá cho lao động dưới 35 tuổi để họ có đủ trình độ theo học những nghề mà khu công nghiệp, khu chế xuất… cần tuyển dụng.
Bên cạnh đó, mô hình tạo việc làm thông qua du nhập ngành nghề thủ công để hình thành, phát triển làng nghề mới cũng được nhiều địa phương áp dụng thành công như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội... Những nghề như: dệt chiếu, mây tre đan, gốm sứ, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ gỗ, hàng thêu, thảm... tuy thu nhập chưa cao nhưng dễ học và quy mô sản xuất có thể mở rộng, sản phẩm dễ tiêu thụ, tạo được việc làm cho nhiều lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy vậy, để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, các địa phương cần tạo mối quan hệ với các cơ sở, làng nghề truyền thống và lựa chọn để gửi lao động đi học các nghề phù hợp; đồng thời hỗ trợ các cơ sở nghề thủ công về mặt bằng sản xuất, thị trường tiêu thụ, tham quan học tập và ưu tiên dành ngân sách địa phương cho đào tạo nghề truyền thống, nhất là các nghề mới
Theo ông Mạc Văn Tiến, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: "Việc thu hút lao động bị thu hồi đất vào các khu công nghiệp phụ thuộc vào các quy định cụ thể ràng buộc với các chủ dự án sử dụng đất để họ cam kết sử dụng lao động tại chỗ. Các chính sách thu hút lao động vào khu công nghiệp cần được nhanh chóng sửa đổi cho phù hợp. Có cơ chế hỗ trợ cho các trung tâm dạy nghề tại địa phương để đào tạo nghề có địa chỉ và đạt chất lượng cao. Đối với các hộ bị thu hồi đất, tiền đền bù là tài sản quý giá nên cần phải được tuyên truyền, hướng dẫn họ sử dụng hợp lý. Chính quyền các cấp cần giúp đối tượng này lựa chọn ngành nghề đào tạo mà các khu công nghiệp đang cần tuyển dụng lao động. Cùng với hỗ trợ tiền đào tạo từ ngân sách địa phương, nên khuyến khích các hộ sử dụng tiền được đền bù để con em họ học nghề và tạo điều kiện cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, khuyến khích lao động xuất khẩu gửi tiền về đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm".
Nguồn kinhtenongthon.com.vn