Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Cựu chiến binh: Một kênh dẫn vốn xóa đói, giảm nghèo hiệu quả

Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Cựu chiến binh: Một kênh dẫn vốn xóa đói, giảm nghèo hiệu quả
Tính đến đầu tháng 6-2012, toàn hệ thống Hội Cựu chiến binh (Hội CCB) Việt Nam hiện có tới 32.330 tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), với tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam cho 14 chương trình tín dụng đạt gần 15.400 tỷ đồng… được coi là kênh tín dụng ưu đãi xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, trực tiếp góp phần làm sáng đẹp bức tranh kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn nước ta trong công cuộc đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế.
 
 

Ảnh: Hoàng Long
 
Hơn 1.380.000 hội viên được vay vốn
 
Theo báo cáo của Hội CCB, kết thúc năm 2011, chất lượng tín dụng ủy thác cho NHCSXH có tín hiệu giảm sút, rõ nhất là ở khu vực Tây Nam bộ và 7 tỉnh, thành phố khác ở các khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc. Trước thực tế đáng báo động trên, ngày 12-12-2011, Thường trực Trung ương Hội CCB đã khẩn trương ban hành văn bản số 87 về "nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ ủy thác của NHCSXH”. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đầy đủ các mặt hoạt động, ưu điểm cũng như khuyết điểm còn tồn tại, nhất là ở những đơn vị có nợ quá hạn cao, xâm tiêu chiếm dụng vốn, vay ké lan tràn… để kịp thời đề ra các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục. Trung ương Hội coi đưa việc thực hiện ủy thác của NHCSXH là một tiêu chí xem xét, chấm điểm trong phong trào thi đua "cựu chiến binh gương mẫu”. Theo đó, Trung ương Hội thành lập Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác của NHCSXH ở các tỉnh Khu vực Tây Nam bộ giai đoạn 2012 – 2015 do một Phó Chủ tịch Hội làm trưởng Ban.
 
Trên cơ sở phối hợp, tham khảo ý kiến của lãnh đạo NHCSXH Việt Nam, Ban chỉ đạo mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, ban hành quy chế và kỷ cương hoạt động ủy thác để các cấp Hội huyện, xã và tổ TK&VV thực hiện. Các bước khởi động nhiệm vụ ủy thác cấp vốn tín dụng NHCSXH của các cấp Hội CCB trong 6 tháng đầu năm 2012 tuy chưa thật đồng đều và ổn định nhưng về cơ bản đã có những tín hiệu tích cực đáng mừng như: Tổng dư nợ ủy thác cho 14 chương trình tín dụng đạt gần 15.400 tỷ đồng, tăng 611 tỷ đồng so với cuối năm 2011; mức vay bình quân hộ từ 14,7 triệu đồng lên 15,3 triệu đồng; mức vay bình quân tổ từ 454,7 triệu đồng lên 476 triệu đồng. Nhờ đó, có hơn 1.380.000 hộ là các thành viên của Hội được vay vốn, tạo việc làm cho hơn 95.000 lao động là cựu chiến binh, con em cựu chiến binh và gia đình chính sách. Tỷ lệ thu lãi thực tế 5 tháng đầu năm nay, bình quân chung của các tỉnh, thành phố đạt khá cao, trên 90%. Tỷ lệ nợ quá hạn trong tổng dư nợ của Hội tuy có cao hơn (0,28%) so với cuối năm 2011, nhưng về cơ bản vẫn ở trong giới hạn tương đối thấp 1,3%.
 
Đưa vốn đến với người nghèo
 
Đánh giá về diễn biến, kết quả thực hiện các văn bản thỏa thuận đã được ký kết giữa Ngân hàng và Hội CCB về ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH khẳng định: Tổ TK&VV của Hội CCB Việt Nam thực sự đã nối dài cánh tay Ngân hàng đưa vốn tín dụng ưu đãi của Đảng và nhà nước đến với cộng đồng nghèo và các hộ chính sách giúp họ làm ăn hiệu quả. Điều đó được chứng minh: Đến nay 100% các tỉnh, thành Hội đều có dư nợ ủy thác khá cao, bình quân mỗi địa phương gần 244 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ ủy thác qua Hội CCB đã tăng 700 tỷ đồng (= 4,7% so với năm 2011), trong đó các tỉnh có dư nợ tăng cao là: Nghệ An, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ… Cùng với việc tăng dư nợ ủy thác, các cấp Hội CCB đã thường xuyên chỉ đạo các tổ TK&VV ở cơ sở xử lý thu hồi nợ quá hạn. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2012 đã xử lý được 32 vụ, thu hồi được 386 triệu đồng, điển hình là ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Long An, Thanh Hóa, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai… Một số địa phương khác nợ quá hạn đã giảm so với cuối năm 2011.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, việc tổ chức thực hiện dịch vụ ủy thác của Hội vẫn còn một số tồn tại nhất định như, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng và các quy định về tín dụng của Ngân hàng, nên không ít khách hàng có đủ khả năng trả nợ nhưng cứ chây ỳ, coi đây là vốn cấp không của Nhà nước, dẫn đến nợ quá hạn đã không giảm mà có xu hướng tăng. Hội cũng chưa phát hiện kịp thời các trường hợp trong quá trình sử dụng vốn, người vay bị rủi ro bất khả kháng để cùng ngân hàng hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền xem xét miễn giảm hoặc gia hạn trả nợ cho vay lưu vụ.
 
Từ những kết quả đạt được và những tồn tại, yếu kém trên, NHCSXH và Trung ương Hội CCB đã có sự chuyển động, đổi mới hợp tác, thống nhất bàn bạc, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và thường xuyên hơn trong nghiệp vụ của mình, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động dịch vụ ủy thác vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách như: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ủy thác của tổ chức Hội các cấp, phát hiện kịp thời các sai sót, vướng mắc phát sinh, từ đó có giải pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm.
Trần Văn
Theo  daidoanket.vn