Trường dạy nghề chung sức xây dựng nông thôn mới

Trường dạy nghề chung sức xây dựng nông thôn mới
Để góp phần chung tay, góp sức cùng tỉnh xây dựng nông thôn mới, thời gian vừa qua các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tập trung mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với mong muốn giúp các lao động nâng cao được tay nghề, có việc làm ổn định nâng cao thu nhập.
 
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực, trang thiết bị dạy và học…Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011, 2012 khi Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh quyết liệt phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM thì không chỉ các huyện, xã, thôn xóm, cơ quan đoàn thể vào cuộc xây dựng NTM, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã “tiên phong” cam kết đi đầu thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn Ông Trần Đắc Hòa, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh nói: “Hơn 15 năm kể từ năm thành lập đến nay, bình quân mỗi năm trường chúng tôi đào tạo nghề cho hàng ngàn lượt lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, sau khi tỉnh phát động phong trào chung sức xây dựng NTM, chúng tôi đã đào tạo được hơn 500 lao động đi xuất khẩu ở các nước; trên 1.500 lao động học nghề lái xe; và hơn 1.300 lao động học các ngành nghề hàn, vận hành sử chữa máy nông nghiệp, máy xúc, máy ủi; điện dân dụng; nghề trồng nấm…góp phần nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”.
 
Học viên Nguyễn Văn Đức, xã Cẩm Yên, Cẩm Xuyên phấn khởi nói: “Nhờ được học nghề lái máy xúc mà nay em đã có công ăn việc làm ổn định với mức lương trên 7 triệu đồng/tháng. Số tiền này không chỉ giúp em trang trải cuộc sống mà còn giúp em có điều kiện chăm lo cho gia đình trong những lúc khó khăn, em rất biết ơn những người thầy ở trường Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh đã cho em và gia đình em có cuộc sống tốt hơn”. Được biết, Đức học hết cấp III thì phải nghỉ ở nhà do điều kiện gia đình quá khó khăn, sau một thời gian thất nghiệp, Đức tham gia lớp học nghề lái máy ủi theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà trường Cao đẳng nghề công Nghệ Hà Tĩnh tổ chức, sau khóa học hơn 3 tháng, Đức được cấp chứng chỉ nghề và nay có công việc ổn định tại tỉnh Quảng Ninh.
 

Một lớp học sửa chữa máy nông nghiệp

Ngoài các học viên ở trường Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh, gần 30 ngàn lượt lao động nông thôn ở các huyện khác như Hương Sơn, Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ… cũng đã được Trường trung cấp nghề Hà Tĩnh đào tạo các ngành nghề lái máy ủi, máy xúc, máy tuốt lúa; hàn...
 
Ông Nguyễn Văn Đàn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh nói: “Từ xưa đến nay vấn đề nan giải nhất ở Hà Tĩnh là đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Vì thế, ngay từ khi mới thành lập, đối tượng đào tạo mà trường chúng tôi hướng đến là lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm chúng tôi đào tạo từ 500-600 lượt người đi XK lao động; hơn 2.500 người học nghề lái xe; điện dân dụng từ 1.000-1.500 lao động; các nghề cơ khí nông nghiệp, xây dựng, lái máy công trình, hàn…trên 300 lao động”.
 
Anh Nguyễn Đức Cảnh, xã Đức Quang, huyện Đức Thọ tâm sự: “Những năm trước chúng tôi mua máy cày, máy tuốt lúa về sử dụng nhưng cách thức vận hành chỉ học vẹt được đôi chút rồi tự mày mò mà cày, mà tuốt. Nhưng sau khi được các giáo viên ở trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh dạy cho cách vận hành, sửa chữa những hư hỏng nhẹ của máy, chúng tôi không chỉ tiết kiệm được chi phí gọi thợ đến sửa mà còn nâng cao năng suất làm việc lên rất nhiều, từ đó mà thu nhập cũng tăng lên đáng kể ”.
 
Học viên lớp vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp ở huyện Đức Thọ nhận chứng chỉ nghề từ trường Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh

Đánh giá về hiệu quả của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm khẳng định: “Việc các trường dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác cho các vùng nông thôn. Chúng tôi rất ủng hộ và cảm ơn những đóng góp của các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, bởi việc làm này đã góp phần rất lớn giúp các địa phương như chúng tôi thực tiêu chí cơ cấu lao động trong 19 tiêu chí XD NTM”.

Việc tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các trường dạy nghề trên địa bàn là những đóng góp tích cực giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ 19 tiêu chí NTM.         
                                                                  
Nguyễn Nga
 Báo nông nghiệp Việt Nam