Quân dân chung sức, xứ đạo đổi thay
- Thứ hai - 04/08/2014 03:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Dân vận khéo”, phát huy nội lực
Chúng tôi gặp Thượng tá Đỗ Văn Thắng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh khi anh vừa đón nhận niềm vui: Ban CHQS huyện được Bộ tư lệnh Quân khu 3 tặng bằng khen tại Đại hội Thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 3 giai đoạn 2009-2014 vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” 3 năm qua. Anh Thắng cho biết: Nghĩa Hưng là huyện thuần nông, đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo chiếm gần 50% dân số; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển; tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm 85%, hộ sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 80%; chuyển dịch cơ cấu còn chậm, nông nghiệp nông thôn phát triển chưa theo quy hoạch. Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng ủy Quân sự huyện chủ động ra nghị quyết lãnh đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương (QS, QPĐP) xác định cụ thể nội dung lãnh đạo, chỉ đạo LLVT huyện tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực và sự đồng thuận của nhân dân.
Lực lượng vũ trang huyện Nghĩa Hưng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. |
Đặc biệt, đầu năm 2013, LLVT huyện tổ chức phát động sĩ quan, QNCN cơ quan mỗi tháng tiết kiệm 10.000 đồng; sĩ quan dự bị, quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị DBĐV mỗi quý 10.000 đồng góp quỹ xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hội nghị giao ban tháng, phúc tra huấn luyện, phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, ban CHQS huyện, ban CHQS các xã, thị trấn, thôn, đội trưởng và thông qua 75 tổ làm công tác vận động quần chúng tuyên truyền vận động cán bộ, chiến sĩ tích cực đóng góp hưởng ứng phong trào. Số tiền tiết kiệm được LLVT huyện trích tặng làm trang trí khánh tiết Nhà văn hóa thôn Đông Kỳ, xã Nghĩa Minh và Nhà văn hóa Thuận Môn, xã Nghĩa Hồng trị giá 10 triệu đồng/ nhà văn hóa…
Quân dân chung sức, đồng lòng
Chúng tôi về xã Nghĩa Phong, một trong những xã điển hình của huyện Nghĩa Hưng đã hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đường từ huyện xuống xã đã được nhựa hóa, xa xa thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ; bức tranh làng quê nơi đây thật thanh bình. Đưa chúng tôi đi tham quan các công trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, bước trên đường Hồng Hải Đông thảm nhựa mặt đường rộng 11m, dài hơn 2,2km đồng chí Hà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã không quên những ngày anh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đến từng xóm, từng hộ gia đình vận động bà con giải phóng mặt bằng phục vụ làm đường. Chủ tịch Hà Minh Tuấn khẳng định: Chủ trương xây dựng nông thôn mới thì lãnh đạo từ huyện đến xã đều đã thông, nhưng làm thế nào tuyên truyền để người dân thấu hiểu được, thấy việc tham gia xây dựng nông thôn mới là làm cho chính mình, đó là một khó khăn không nhỏ.
Đảng ủy, UBND xã tổ chức họp, phân công cán bộ thay nhau xuống từng cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con ở từng đoạn đường, mỗi đội dành 3 ngày giải thích cặn kẽ những vướng mắc; chỉ đạo LLVT xã vào cuộc cùng tham gia vận động giải thích cho nhân dân thông suốt chủ trương của địa phương. Những gia đình sau khi hiến đất được xã cấp giấy chứng nhận gia đình hiến đất phục vụ công trình giao thông và lưu sổ vàng địa phương, gia đình có con em đi xa chúng tôi đều gửi giấy thông báo về thành tích hiến đất ủng hộ địa phương đến tận nơi sinh sống. Niềm vui ngỡ như trong mơ khi đường rộng mở đến đâu nhân dân phấn khởi nên tự giác hiến đất, hiến nhà; gia đình chính sách được LLVT xã kịp thời giúp đỡ ngày công giải phóng mặt bằng.
Anh Tuấn nhớ lại, năm 2013 khi tổ chức lớp tập huấn cán bộ, giáo viên 6 tháng đầu năm, LLVT xã huy động 250 ngày công cùng nhân dân vận chuyển 200m3 đất làm công trình “Đồi ngũ hành” tại nghĩa trang liệt sĩ xã.
Bà Nguyễn Thị Lực, 69 tuổi, giáo dân thôn Thành An, xã Nghĩa Phong bộc bạch: “Tôi hiểu tâm lý bà con lối xóm; chủ trương chính sách thì đã tỏ, nhưng còn luyến tiếc tài sản của cha ông để lại, nên chưa đồng thuận. Thấy vậy, gia đình tôi tự nguyện hiến trước 60m2 đất, vậy là bà con cũng tự giác làm theo. Tôi rất vinh dự khi được địa phương chọn là gương mặt tiêu biểu của huyện tham gia “lễ tuyên dương những tấm gương quần chúng tiêu biểu tham gia xây dựng giao thông và bảo đảm trật tự ATGT” tại thủ đô Hà Nội tháng 8-2012”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Mặc dù đời sống cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện còn gặp nhiều khó khăn, song qua gần hai năm thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay, LLVT huyện đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào như: Gia đình Thiếu tá Nguyễn Văn Hậu, Trợ lý cán bộ Ban CHQS huyện hiến 40m2 đất, 40m tường bao; gia đình Thượng úy QNCN Phạm Khánh Thiên, nhân viên kho quân khí ủng hộ 6 triệu đồng xây dựng Nhà văn hóa thôn Nam Phú, Thị trấn Liễu Đề; đồng chí Trần Công Chính, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nghĩa Phong tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo có hiệu quả LLVT xã tham gia xây dựng nông thôn mới… Những việc làm thiết thực đó đã để lại tình cảm tốt đẹp trong nhân dân và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Từ một huyện thuần nông còn gặp nhiều khó khăn, đến nay huyện Nghĩa Hưng có 3 xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được UBND tỉnh Nam Định và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng; 6 xã đạt 15 đến 17 tiêu chí; 16 xã, thị trấn còn lại đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng đạt từ 10 đến 12 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2017 sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả trên, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng và mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có sự vào cuộc trách nhiệm, nhiệt tình và rất hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện.
Bài và ảnh: LÊ MINH THIỆN
Nguồn qdnd.vn