Nông nghiệp hữu cơ: Hướng phát triển bền vững

Nông nghiệp hữu cơ: Hướng phát triển bền vững
Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đang tích cực nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nếu được thông qua, chắc chắn ngành Nông nghiệp của tỉnh sẽ có những bước tiến mới, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn sản xuất.

Thu hoạch rau màu tại khu vực trồng rau của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên). Ảnh: Hoàng Nga

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua tại Quảng Ninh, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đã xuất hiện, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện từng phần. Trong lĩnh vực trồng trọt, từ năm 2014 tỉnh đã có 1 doanh nghiệp sản xuất trồng trọt hữu cơ là Công ty CP Terranique (thôn Đồng Vang, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ), với diện tích 2,5ha. Bao gồm: Diện tích nhà sơ chế, kho lạnh, khu nhà lưới, khu vực sản xuất ngoài trời, khu vực ủ phân hữu cơ... với tổng kinh phí thực hiện lên tới 8 tỷ đồng. Các loại cây trồng sản xuất hữu cơ của công ty này chủ yếu là rau xanh, dưa chuột, cà chua, củ cải đỏ, hành tỏi, đậu hạt các loại.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, do năng suất, sản lượng sản xuất hữu cơ thấp, chi phí sản xuất cao nên đến nay mô hình sản xuất hữu cơ của Công ty CP Terranique chưa thể mở rộng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình nào sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ.

Mặc dù ngành Nông nghiệp chỉ chiếm 6,7% trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng khu vực kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống của đại đa số dân cư sống tại khu vực nông thôn và hỗ trợ trong việc phát triển của khu vực kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ. Những năm gần đây, lượng khách đến Quảng Ninh tăng cao, yêu cầu về số lượng, chất lượng lương thực, thực phẩm, cũng như vấn đề đảm bảo VSATTP rất lớn. Đi cùng với đó là nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn tại các khu công nghiệp, vùng mỏ, trường học...

Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: “Với đặc tính là không sử dụng hóa chất trong sản xuất, nông nghiệp hữu cơ được coi là phương thức sản xuất tối ưu nhằm mang lại lợi ích đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp”.

Chính vì thế, hiện nay, Sở NN&PTNT đang tích cực nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh, xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; trong đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) thử nghiệm ủ phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản. Ảnh: Trần Thanh

Trước mắt, giai đoạn 2019-2020, trong lĩnh vực trồng trọt, đề án sẽ tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm rau, củ, quả, chè, dược liệu, lúa gạo hữu cơ tại các địa phương: Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà... Năm 2020, khoanh vùng, thực hiện giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đối với 55ha sản xuất trồng trọt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đề án xây dựng sẽ tập trung phát triển sản phẩm gia súc, gia cầm hữu cơ tại: Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà và Móng Cái; trong đó, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi hữu cơ 10-15%.

Để thực hiện những mục tiêu này, Sở NN&PTNT đang tham mưu với tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ như: Hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ (điều tra cơ bản; khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước...); hỗ trợ 1 lần 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp; hỗ trợ đào tạo, tập huấn...

Tin rằng, với những mục tiêu cụ thể, sát thực tiễn và giải pháp quyết liệt, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” sẽ sớm được thông qua, để nông nghiệp Quảng Ninh có thể phát triển theo hướng bền vững.

Lan Anh
Nguồn tin: https://doanhnghiep.quangninh.gov.vn/