Bữa ăn chỉ an toàn vào dịp cuối năm?

Càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Chính bởi vậy, các nhà chức trách đang ráo riết vào cuộc để thực hiện các cuộc kiểm tra, kiểm soát vấn đề ATVSTP. Song, điều dư luận mong muốn ở đây là, làm sao để bữa ăn hàng ngày được an toàn chứ không phải ngày một và chỉ thực sự an toàn khi… phát động.
Nhiều người tiêu dùng đã "dị ứng” với những món ăn vốn không thể thiếu với bữa ăn hàng ngày như thịt lợn, thịt gà, rau muống…  Ảnh: Hoàng Long
Ráo riết thanh kiểm tra
 
Trong 5 năm gần đây, cả nước ghi nhận 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người bị ngộ độc, trong đó 229 người chết. Trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với 6.147 người bị ngộ độc và 46 người chết. Đây là con số đã được đưa ra bởi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm trong một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề này. Còn tính riêng 11 tháng của năm 2012, có tới 164 vụ ngộ độc và 33 người tử vong do ngộ độc thực phẩm, so với năm 2011 tăng cả về số vụ, số người mắc, số tử vong. Có lẽ, không cần phải bình luận gì nhiều vì chính những con số này đã nói lên những nhức nhối trong vấn đề ATVSTP hiện nay ở nước ta.
 
Nhiều người tiêu dùng giờ đây còn dị ứng với những món ăn vốn không thể thiếu với bữa ăn hàng ngày như thịt lợn, thịt gà, rau muống… Bởi, động đến thịt lợn là họ nghe nói về "lợn tăng trọng”, động đến gà là nghe về "gà thải”, "gà nhập lậu”, nói đến rau là lại nghe thấy rau không an toàn khi chứa nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…
 
Trước thực trạng này, dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, người ta đang chứng kiến hàng loạt sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng, các nhà quản lý với mục đích đảm bảo cho bữa ăn của người dân được an toàn, đặc biệt là trong dịp Tết.
 
Đầu tiên phải kể đến quyết định thành lập 8 đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Y tế chủ trì sẽ thanh tra, kiểm tra vấn đề ATVSTP tại 24 tỉnh, thành trên toàn quốc. Theo đó, từ ngày 10 -1- 2013 đến ngày 15-2-2013, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các tỉnh, thành phố trọng điểm bao gồm: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp. Đối tượng thanh, kiểm tra là tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... các cơ sở dịch vụ ăn uống.
 
Ngoài những giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố tiêu chuẩn, nhãn hàng hóa… thì những vấn đề liên quan như nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, quy trình bảo quản thực phẩm, nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm sẽ được kiểm tra giám sát. Trong trường hợp cần thiết sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm theo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định.
 
 
An toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm của người dân
 Ảnh: Hoàng Long
Chỉ an toàn khi cơ quan chức năng vào cuộc?
 
Mới đây nhất, ngày 5-1 vừa qua, hai Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã khởi đầu bằng việc trực tiếp cùng đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.Hà Nội.
 
Ai cũng biết, Hà Nội là địa bàn trọng điểm, tập trung đông dân cư nên càng về dịp cuối năm vấn đề kiểm soát ATVSTP càng phải rốt ráo. Đặc biệt, trong dịp Tết, tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép, nhập lậu vào địa bàn rất phức tạp. Vì vậy, mục tiêu đặt ra của các cơ quan chức năng trong đợt vào cuộc kiểm tra, kiểm soát lần này là làm sao để toàn dân có "bữa ăn an toàn”.
 
Và kết quả kiểm tra mẫu thực phẩm lấy ngẫu nhiên tại một số cửa hàng và chợ trên địa bàn Hà Nội vào sáng 5-1, của đoàn thanh tra, cho thấy, hầu hết các kết quả đều âm tính với hóa chất độc hại. (Song cần  phải nói thêm, mặc dù sự kiểm tra của hai Bộ trưởng  là "đột xuất” nhưng không hiểu sao,  nhiều ki - ốt hàng khô và kẹo, ô mai tại một số chợ đã đóng cửa không bán hàng – PV). Có được kết quả này - theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát - là do TP. Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt từ rất sớm. Đặc biệt, gia cầm nhập lậu vào Hà Nội đã giảm khoảng 90% do ngăn chặn, kiểm tra và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Hà Nội đã liên kết tốt với các địa phương lân cận cung cấp hàng hóa, sản phẩm, góp phần tích cực loại bỏ sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Có thể nói, những kết quả nói trên  là một điều rất đáng mừng không chỉ đối với những người làm công tác ATVSTP TP. Hà Nội mà còn đối với tất cả người dân thủ đô. Và nhiều ý kiến cho rằng, nếu những kết quả đó thực sự  phản ánh tình hình chung vấn đề ATVSTP ở Hà Nội, người dân Thủ đô sẽ được ăn tết ngon hơn, an tâm hơn.
 
Song, điều đáng nói ở đây là,  dường như chỉ khi vào dịp cuối năm, các cuộc thanh tra, kiểm tra về vấn đề VSATTP mới được đẩy mạnh hơn, ráo riết hơn,  Còn sau đó, khi hết đợt phát động, hết các đợt thanh tra kiểm tra, mọi thứ đâu lại trở về đó. Nếu không, tại sao cứ tổng kết cuối năm, con số vụ ngộ độc thực phẩm, số người chết do ngộ độc thực phẩm lại nhiều như  vậy và vẫn tăng cao trong năm 2012 vừa qua? (thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với 6.147 người bị ngộ độc và 46 người chết – PV). Bởi vậy, điều dư luận mong mỏi ở đây là, không chỉ dịp cuối năm, bữa ăn của người dân mới được quan tâm hơn mà phải là hàng ngày, hàng giờ, đúng như những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Bữa ăn an toàn” phải thực sự được kéo dài, chứ không phải ngày một và chỉ làm khi phát động.
Duy Phương
daidoan ket.vn
 
Gui cho ban be