Chi tiết 7 mâm cỗ Tết đơn giản, đúng theo truyền thống dân tộc
- Thứ tư - 25/01/2017 01:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bạn đang đau đầu suy nghĩ về những mâm cỗ ngon cho những ngày Tết sắp tới? Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
Mâm cỗ thứ nhất
Các món ăn:
Bánh chưng
Chả phú quý
Tôm hoàng kim
Giò heo phát tài
Mì trường thọ
Chè đậu đỏ
Đây là một mâm cỗ Tết đơn giản với 5 món chính. Đây hầu hết là những món ăn quen thuộc trên mâm cỗ Tết: bánh chưng, chả, giò, tôm...
Tên gọi các món ăn: phú quý, hoàng kim, phát tài, trường thọ… cũng chính là mong ước trong năm mới của nhiều người. Những món ăn không chỉ đem lại cảm giác ngon miệng mà còn thể hiện ước vọng của gia chủ trong năm mới.
Riêng món chè đậu đỏ tráng miệng không chỉ giúp đẩy lùi chất đạm, chất béo mà còn mang ý nghĩa: cầu mong một năm mới nhiều may mắn sẽ đến.
Mâm cỗ thứ hai
Các món ăn:
Thịt gà luộc
Nem rán
Thịt đông
Nộm ngũ sắc
Xôi gấc
Rau củ xào thập cẩm
Canh nấm mọc
Canh măng móng giò nấm hương
Canh miến
Mứt sen tráng miệng
Đây có thể nói là mâm cỗ Tết cổ truyền đặc trưng và phổ biến nhất của người miền Bắc với những món ăn nhất định phải thưởng thức như: thịt gà luộc, thịt đông, canh nấm...
Vì những món ăn trên mâm cỗ thường khá béo, ngậy nên đĩa nộm ngũ sắc xuất hiện như một sự cứu cánh. Nộm ngũ sắc có vị chua, thanh mát, giúp phần nào giảm đi cái ngậy ngụa của thịt.
Ngoài ra, với nhiều gia đình, xôi gấc đỏ tươi tượng trưng cho sự may mắn cũng không thể thiếu trong những ngày này.
Mâm cỗ thứ ba
Các món ăn:
Bóng bì xào rau súp lơ
Nem rán
Thịt đông
Giò xào
Dưa chua, hành ướp
Canh miến thập cẩm
Canh nấm mọc
Canh măng giò heo
Bánh chưng
Đây cũng là một mâm cỗ Tết điển hình khác của người miền Bắc. Theo đó, một mâm cỗ Tết truyền thống của miền Bắc này thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Mỗi món ăn sẽ được bày vào một bát hay đĩa nhỏ.
Cỗ Tết miền Bắc giống như một bức tranh nhiều màu sặc, nhiều hương vị. Các món ăn bổ trợ cho nhau một cách hài hoà khiến người ăn cảm thấy ngon miệng.
Ở mâm cỗ trên, đĩa dưa hành muối giản dị lại trở nên đặc biệt, có tác dụng bớt độ ngấy của các món ăn giàu chất béo.
Mâm cỗ thứ tư
Các món ăn:
Bánh chưng
Canh giò heo
Canh nấm mọc
Xôi đỗ xanh
Xôi gấc
Gà luộc
Giò lụa
Giò xào
Giò hoa ngũ sắc
Nem rán
Nộm su hào, cà rốt
Rau sống
Một mâm cỗ đầy đủ, “giàu có” với 12 món ăn phong phú.
Bên cạnh các món ăn quen thuộc, khá phổ biến trên mâm cỗ Tết cổ truyền như: bánh chưng, canh giò heo, canh nấm mọc, gà luộc, giò lụa, nem rán, nộm thì trên mâm cỗ này còn xuất hiện một món khá lạ, đó là món giò hoa ngũ sắc. Món ăn nhìn khá bắt mắt và rực rỡ khiến cho mâm cỗ Tết hấp dẫn và ngon miệng hơn.
Ngoài ra, một bát rau sống xanh mướt cũng là một điểm “hay ho” của mâm cỗ này. Rau sống dùng để cuốn kèm thịt hay nem, giúp món ăn dễ ăn, đỡ ngấy hơn.
Mâm cỗ thứ năm
Các món ăn:
Bánh chưng
Su su, cà rốt luộc
Tai heo luộc
Giò hoa
Giò bò
Giò xào
Giò me
Trứng cuộn thịt
Nem rán
Thịt gà luộc
Thực tế, cỗ Tết là sự tổng hợp của các món ăn quen thuộc, tuy nhiên, vào ngày lễ đặc biệt này, những món ăn này được chế biến cẩn thận và cầu kỳ hơn một chút. Vẫn là thịt gà luộc, vẫn là giò, chả, vẫn là nem rán,… những chẳng hiểu sao được làm và được ăn vào ngày Tết nó vẫn có cái thú riêng.
Có người hỏi: “Mấy ngày Tết mà chỉ quanh đi quẩn lại có mấy món đó, chẳng phải là chán quá sao?”. Câu trả lời cho bạn là: Nếu biết cách sắp xếp, xoay vần các món ăn thì mỗi bữa ăn là một sự thử nghiệm mới.
Khác với những mâm cỗ trước, trong mâm cỗ này, bạn có thể thấy món rau, củ luộc. Món ăn đơn giản này lại hoá ra lại là “ngôi sao” nổi bật nhất trên một mâm toàn thịt, giò,...
Mâm cỗ thứ sáu
Các món ăn:
Thịt kho tàu
Cánh hoa kim châm nấu miến
Tôm rim thịt
Nem chả
Cuốn ram
Gà rô ti
Canh măng móng giò
Thịt lợn luộc
Giò lụa
Cá kho
Đậu chiên
Giò hoa ngũ sắc
Đậu Hà Lan xào tôm thịt
Bánh chưng
Nộm dưa chuột
Tré
Một mâm cỗ đúng chất “nhà giàu” với đủ đây các món ngon. 15 -16 món ăn trên một mâm cỗ cho thấy sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị và chế biến.
Nhìn những món ăn có trên mâm, có thể nói rằng đây là một mâm cỗ điển hình của người miền Trung. Do nằm ở vùng có khi hậu khắc nghiệt nên ẩm thực nơi đây cũng có đôi chút khác biệt. Theo đó, miền Trung chú trọng đến yếu tố lưu giữ nên trên mâm cỗ có món tôm rim, thịt kho tàu, cuốn ram, tré,…
Tuy nhiên, ngay nay, với sự giao thoa văn hoá liên tục và thường xuyên, nên sự khác biệt về vùng miền trên mâm cỗ ngày Tết không còn rõ ràng nữa. Trên mâm cỗ Tết miền Bắc, bạn có thể thấy xuất hiện những món ăn của người miền Trung, miền Nam và ngược lại.
Mâm cỗ thứ bảy
Các món ăn:
Canh miến
Rau xào thập cẩm
Giò lụa
Xôi gấc
Canh xương, súp lơ
Thịt bò xào rau củ
Thịt viên chiên xù
Hoa quả tráng miệng
Mâm cỗ gồm có 2 món canh, 4 món mặn, 1 món xôi và kèm hoa quả tráng miệng. Sau những bữa cỗ “giàu có” thì một mâm cỗ thanh đạm như thế này cũng rất hợp đó.