Chuyên gia tiết lộ mặt trái của nước ép hoa quả

Chuyên gia tiết lộ mặt trái của nước ép hoa quả
Nhiều gia đình mua hoa quả về không ăn trực tiếp mà đem ép nước để uống với hi vọng nước ép sẽ giúp họ có làn da tươi sáng, cung cấp đủ vitamin, đặc biệt tốt dành cho trẻ em. Thực tế có đúng như vậy?

chuyen gia tiet lo mat trai cua nuoc ep hoa qua

Nước ép hoa quả dùng nhiều tăng nguy cơ ung thư Theo kết luận của các nhà nghiên cứu tại Úc được đăng trên tờ Daily Mail, tiêu thụ nước ép trái cây có chứa quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Trước đó, các nhà nghiên cứu Úc đã cố gắng tìm kiếm mối liên hệ cũng như tác dụng của các loại trái cây, rau củ và nước trái cây khác nhau trong việc ngăn chặn sự phát triển của ung thư ruột kết. Họ theo dõi sức khỏe của 2.200 người lớn và những thực phẩm họ ăn hàng ngày trong vòng 2 năm để nghiên cứu mô hình phát triển của bệnh. Kết quả cho thấy những người ăn trái cây và rau quả như táo, súp lơ,... sẽ có cơ hội giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

Nhưng một điều ngạc nhiên là những người tiêu thụ nước ép trái cây nhiều lại có nguy cơ bị ung thư cao hơn người bình thường. Đây không phải là điều đáng kinh ngạc bởi vì các chuyên gia đã mổ xẻ công dụng thực cũng như tác hại của nước ép trái cây. Nói về nước ép hoa quả tăng nguy cơ ung thư, TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, Phó tổng thư ký Tổng hội y học Việt Nam cho rằng, sử dụng nước ép hoa quả vô tình chúng ta bỏ đi thứ quý giá của trái cây, đó là chất xơ.

Chất xơ chính là chất giúp chúng ta phòng chống ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hoá. Nước ép hoa quả lại không cung cấp cho chúng ta thứ mà mình mong muốn. Cùng quan điểm, bác sĩ dinh dưỡng Phạm Thị Thục – Phòng khám và tư vấn dinh dưỡng Bệnh viện An Việt cho rằng, nước ép hoa quả không nên sử dụng nhiều bởi vì nó bỏ qua chất xơ quý giá.

Nước ép hoa quả gây béo phì Theo TS Sơn, nếu so sánh giữa nước hoa quả và hoa quả nguyên miếng, thì hoa quả nguyên miếng sẽ có nhiều dinh dưỡng và tác động lên sức khỏe tốt hơn. Khi ép nước trái cây, đường trong trái cây cũng sẽ chuyển hóa mau hơn, làm đường huyết tăng nhanh hơn so với ăn trái cây nguyên miếng.

Đường huyết cũng có thể tăng đáng kể nếu uống nước ép được làm từ các loại rau hoặc trái cây nhiều đường (như củ cải đường hoặc cà rốt) hoặc nước hoa quả công nghiệp bổ sung đường. Trung bình có 140 calo có trong 250 ml nước ép hoa quả. Do vậy uống nước hoa quả không phải là một cách để thải độc cơ thể (detox) hoặc có tác dụng giảm cân giữ dáng. Nước quả công nghiệp cũng có thể gây thừa calo nếu tiêu thụ quá nhiều và có thể có chứa hương liệu, chất bảo quản, chất tạo ngọt nhân tạo. Do nhiều đường và axit nên nước hoa quả có thể gây sâu răng và tăng nguy cơ béo phì. Ví dụ nước ép bưởi có chứa lượng đường cao hơn 50% so với nước coca.

Ngoài ra, trong nước ép hoa quả cũng chứa nhiều tinh bột từ trái cây, dù tốt hơn tinh bột từ ngũ cốc đã qua xử lí, vẫn sẽ gây hại cho cơ thể nếu bị hấp thụ quá nhiều và đặc biệt dễ khiến tăng cân chứ không phải giảm cân như nhiều người vẫn nghĩ. Chính vì những bất lợi trên, TS Sơn cho rằng, trước khi sử dụng nước ép hoa quả, các bà mẹ cũng nên chú ý đến bất lợi này.

Bác sĩ Thục cho biết thêm, rất nhiều gia đình lại ép nước hoa quả bỏ tủ lạnh uống dần khiến các chất dinh dưỡng trong hoa quả bị thay đổi tuyến tính, giảm bớt tác dụng hoặc có thể gây rối loạn tiêu hoá.

Không thể phủ nhận được lợi ích của nước ép hoa quả. Đó là giải pháp thay thế đơn giản cho những người không thích hoặc không có điều kiện ăn rau quả trực tiếp và cũng là cách đảm bảo uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày.

Ngoài hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa vitamin (như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C) và các chất khoáng tốt cho sức khỏe (như đồng, magie, kali), nước ép hoa quả còn là nguồn cung cấp axit folic tốt.

Cũng giống như trái cây, nước hoa quả cũng có chứa một lượng nhất định chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Các chất chống oxy hóa có trong nước hoa quả có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch, cải thiện lưu lượng máu và tuần hoàn, giảm huyết áp, chống viêm, duy trì cholesterol ở mức ổn định.

Theo Infonet

Tin liên quan