Công dụng chữa bệnh của rau quả

Công dụng chữa bệnh của rau quả
Rau củ quả là nguồn dinh dưỡng tự nhiên dồi dào. Các chất protein, vitamin, chất xơ, chất béo... từ hoa quả chuyển hóa vào cơ thể giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Bài viết dưới đây xin được giới thiệu tác dụng hỗ trợ và điều trị bệnh của từng loại rau củ quả thông dụng trong cuộc sống hàng ngày để bạn đọc tham khảo và sử dụng:

Hoa bí ngô giúp thanh nhiệt, kháng viêm: Hoa bí ngô là một trong những loại rau hết sức dân dã ở nông thôn nhưng đồng thời cũng là một vị thuốc nam độc đáo. Tuy chưa đầy đủ nhưng một số nghiên cứu hiện đại cho thấy loại thảo dược này rất giàu chất dinh dưỡng, trong đó đặc biệt là có hàm lượng caroten rất cao, được mệnh danh là thứ “rau toàn năng”. Theo dược học cổ truyền, hoa bí ngô vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu, thường được dùng để chữa viêm kết mạc, viêm tuyến vú, ho, viêm gan vàng da, viêm họng, ung thư vú… Để giúp thanh nhiệt kháng viêm có thể dùng: (1) Hoa bí ngô 30-50g, đường phèn sắc uống chữa ho có đờm, viêm họng, viêm phế quản. (2) Hoa bí ngô 30-50g, kim ngân hoa 15g, long đởm thảo 20-30g, sắc uống chữa viêm gan, đau mắt đỏ, gan nhiễm mỡ. (3) Hoa bí ngô 30-50g, rau sam 20-30g, sắc uống chữa viêm đường tiết niệu, viêm ruột, lỵ, mẩn ngứa. (4) Hoa bí ngô 50g, gan lợn 200-300g, xào ăn hàng ngày. (5) Hoa bí ngô 30g, kim ngân hoa 25g, trần bì 15g, bồ công anh 30g, sắc uống chữa viêm tuyến vú, viêm đường tiết niệu, mày đay.

Hoa bí ngô chữa viêm kết mạc, viêm tuyến vú, viêm gan vàng da, viêm họng, ung thư vú.

Hoa bí ngô chữa viêm kết mạc, viêm tuyến vú, viêm gan vàng da, viêm họng, ung thư vú.
 

Củ lạc hỗ trợ giảm cân: Củ lạc còn gọi là hoa sinh, là một thực phẩm thường dùng trong đời sống hàng ngày. Trong lạc có chứa nhiều acid không no (acid oleic và acid linleic chiếm tới 80% tổng số acid béo trong lạc), acid folic, chất xơ nên rất có lợi cho những người thừa cân, béo phì và rối loạn lipid máu. Một nghiên cứu ở Mỹ trên 101 người béo phì được chia làm 2 nhóm: nhóm ăn ít chất béo và nhóm ăn lạc, nhận thấy: sau 2 tháng, cả hai nhóm mỗi người giảm được ít nhất 11kg, nhưng sau 1 năm, nhóm ăn ít chất béo tăng cân trở lại còn nhóm ăn lạc thì cân nặng vẫn giữ nguyên. Để hỗ trợ giảm cân có thể dùng: (1) Giữa 2 bữa ăn, khi bụng đói nên ăn 30g, tương ứng khoảng 35 hạt lạc (cung cấp 160 calo) để tạo cảm giác no khiến bữa ăn tiếp theo không muốn ăn nữa. (2) Dùng lạc 30g rang, giã nát nấu canh với mướp hương, gấc cùng dưa chua hoặc chế biến cùng với vừng đen làm thức ăn hàng ngày. Theo dược học cổ truyền, lạc vị ngọt bùi, có công dụng bổ tỳ, dưỡng vị, nhuận phế, lợi tràng.

Quả mận giúp hỗ trợ tiêu hóa: Mận là thứ quả rất phổ biến ở nước ta. Loại quả này có chứa nhiều chất xơ, istatin, sorbitol rất có lợi cho tiêu hóa trong việc điều hòa nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón, chống đầy hơi và tiêu chảy. Để hỗ trợ tiêu hóa có thể dùng mận dưới các dạng: ăn sống như các loại hoa quả thông thường, làm thành mứt dẻo, dạng ô mai mận, mận gọt vỏ thái miếng trộn giấm, đường, ớt, nước ép mận, siro mận… Tuy nhiên, khi dùng loại quả này cần lưu ý chỉ nên ăn với một lượng nhất định, thường là nên ăn tối đa 10 quả/ngày vì: mận chứa nhiều oxalate có thể làm giảm hấp thu canxi gây lắng đọng tạo sỏi tiết niệu, mận có tính nóng nên dễ gây nhiệt miệng, mụn nhọt, mận có tính acid cao nên dễ hại men răng và niêm mạc dạ dày. Vậy nên những người bị bệnh thận thể chất nhiệt, thai phụ và bị tiểu đường nên thận trọng khi sử dụng.

Hoàng Mai

 SKĐS