Cúm A/H1N1 ở ĐBSCL: Nguy hiểm vì dễ lây
- Thứ ba - 02/07/2013 22:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quy luật tất yếu
Điều trị ca bệnh nặng do cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. |
Trong tháng 6 vừa qua, các tỉnh ĐBSCL đã xuất hiện hàng chục ca cúm H1N1, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Cụ thể Vĩnh Long có 2 trường hợp tử vong, Hậu Giang 1, Đồng Tháp 1 và Bến Tre 1. Từ đầu năm 2013, tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã có 3 trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1. Trước đó, tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cũng đã có 2 ca và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có 1 ca tử vong do cúm A/H1N1...
Ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca dương tính với H1N1, tuy nhiên chủ yếu ở thể nhẹ, một vài trường hợp suy hô hấp phải thở máy.
Báo cáo gần đây của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng cho thấy, có đến 50% các ca bệnh cúm là nhiễm virus H1N1, nhiễm cúm H3N2 chiếm 40%, trong khi đó virus cúm B lại giảm mạnh chỉ còn 10%, có lúc hầu như biến mất. Trong khi đó, năm 2012, cúm B và cúm H3N2 chiếm chủ yếu các ca cúm mùa. “Đây là quy luật tất yếu của cúm mùa, khi cúm này giảm thì cúm kia lại tăng. Người dân không nên hoang mang” - ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết.
Cũng theo ông Dương, không chỉ virus H1N1 có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng, đe dọa tính mạng người bệnh mà cả cúm B, cúm H3N2 đều có thể gây tình trạng bệnh nặng. Kết quả giám sát các ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng cũng cho thấy, cúm B chiếm hơn 40%, cúm A/H1N1 chiếm 32%, cúm H3N2 là 27%.
Dễ lây, khó chẩn đoán
Cúm A/H1N1 lây lan từ người sang người qua nước bọt, dịch nhầy khi hắt hơi, sổ mũi, sờ, cầm vào vật có chứa virus rồi lại đưa lên miệng, mắt, mũi. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cho biết, một người bị nhiễm virus qua 2-7 ngày sẽ phát bệnh, nhưng trước đó 1 ngày đã có thể phát tán virus ra xung quanh, vì thế rất khó phòng tránh. “Cúm A/H1N1 dễ lây trong 5 ngày đầu phát bệnh, nhưng đối với trẻ em có thể kéo dài tới 10 ngày” - ông Hà cho hay.
Theo ông Hà, người mắc cúm A/H1N1 thường có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể, phần lớn các trường hợp sẽ tự khỏi, một số ít chuyển bệnh nặng gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Tuy nhiên, không ít trường hợp có các dấu hiệu giống viêm phổi nên rất dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh viêm phổi, lao nên điều trị không đúng, không tiêu diệt được virus H1N1 khiến bệnh không thuyên giảm mà trở nặng. Các trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong do cúm A/H1N1 phần lớn là người có hệ miễn dịch kém như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bị bệnh mãn tính.
Hiện nay, “vũ khí” tiêu diệt virus H1N1 chính là thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, thuốc Tamiflu cũng chỉ hiệu quả trong vòng 48 giờ sau khi bệnh nhân có các triệu chứng cúm. Trong khi đó, các bệnh nhân bị cúm chỉ điều trị lòng vòng nên rất khó tiếp cận với Tamiflu. Đến khi bệnh nặng, chuyển lên tuyến trên thì đã muộn. Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho thuốc Tamiflu lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo, khi người dân muốn sử dụng thuốc Tamiflu vẫn nên đi khám để được bác sĩ chỉ định.
Tuấn Kiệt
Nguồn:danviet.vn