ĐBSCL: lại bỏ lúa trồng cam
- Thứ ba - 24/07/2012 22:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở “vương quốc khoai lang” Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long) lại bỏ khoai trồng lúa. Đó là những hình ảnh thể hiện sự bế tắc của người nông dân. Trồng cam sành với hi vọng đổi đời Những ngày này đi về các xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đều dễ nhận thấy ruộng lúa đã bị đào xới lên thành liếp để trồng cam sành. Gặp bất kỳ ai, nói chuyện gì một hồi sau họ cũng chuyển đề tài về cây cam sành. Lý do đơn giản là với giá cam hiện nay họ đang hi vọng đổi đời.
Ông Nguyễn Văn Hồng (xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn) đang chỉ huy trồng cam ngoài ruộng. Gặp chúng tôi, ông bảo đợt này trồng mới thêm 4.000 gốc cam sành. Ông kể: “Vụ rồi tui trồng 1ha, thu hoạch 18 tấn, bán được 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Tui vừa mướn thêm 6.000m2 đất và đào luôn 4.000m2 của gia đình trồng cam luôn”. Ông Hồng cho biết chi phí thuê đất, lên liếp, mua cây giống gần 300 triệu đồng. Dù bỏ vốn ra khá nhiều nhưng ông không hề lo lắng: “Cả xã ai cũng trồng cam, ai cũng trúng lớn. Vụ tới tôi cũng sẽ trúng vậy thôi”. Cạnh đó, gia đình ông Lê Văn Một đang trồng mới mấy trăm gốc cam sành trên ruộng lúa vừa lên liếp. Hỏi vì sao trồng cam sành, ông Một nói: “Cày cục suốt mấy chục năm trời mà không khá nổi. Mấy anh em tui bỏ lúa trồng cam mấy năm trước, giờ ai cũng khá. Thấy vậy tui cũng làm theo coi có đổi đời hay không chứ làm lúa thì nghèo hoài”. Ông Nguyễn Văn Tám, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, cho biết diện tích cam sành của huyện hiện đã hơn 2.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ, Tích Thiện. Diện tích đất lúa biến thành vườn cam thời gian gần đây gần 100ha. Người dân tự đào ruộng lên liếp trồng nên không có vùng chuyên canh tập trung, mà lúa và cam trồng xen kẽ nhau gây khó khăn cho khâu chăm sóc cả hai loại cây này. Tại huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã và đang xảy ra tình trạng nông dân bỏ lúa trồng cam. Anh Nguyễn Thanh Đoàn (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè) vừa trồng cam, vừa nhìn về phía vườn cam đang cho trái cạnh đó nói: “Vườn cam đó vừa thu hoạch bán được mấy trăm triệu đồng. Thương lái tự tìm đến mua luôn, không phải như mấy cây khác đến mùa thu hoạch tìm thương lái đỏ con mắt”. Đây là lý do anh Đoàn và mấy anh em của anh quyết định bỏ lúa chuyển sang trồng cam sành. Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ông Phan Nhựt Ái, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết đến tháng 7 này, diện tích cam của tỉnh Vĩnh Long là 6.192ha, giảm 1.062ha. Lý do giảm là trồng cam đòi hỏi am hiểu kỹ thuật, nhưng nông dân thấy người khác làm được thì tự làm theo, kết quả là không hiệu quả, phải đốn bỏ trồng cây khác! Theo ông Ái, hiện nay diện tích trồng cam sành mới đang tăng nhanh chủ yếu ở xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn vì nơi đây có tiềm năng chuyên canh cây này. Một số xã khác có người mới trồng cam, nhưng cũng có người đốn bỏ vườn cam do không am hiểu kỹ thuật, trồng không hiệu quả. Ông Ái cho biết Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long vẫn luôn giám sát để kịp thời ngăn chặn vì nếu diện tích trồng cam vượt quá quy hoạch sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá cam lại giảm như trước đây. Sở giao nhiệm vụ cho các phòng NN&PTNT hằng tuần phải cập nhật giá cam sành cung cấp cho nông dân để theo dõi tình hình thị trường. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết mặc dù cây cam trồng hai năm rưỡi mới cho trái, nhưng nếu biết điều chỉnh rải vụ sẽ không đáng lo lắm. Hiện tại thị trường của cam sành chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, nhu cầu rất lớn. Cam sành ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng là bình thường. Thế mạnh của các tỉnh phía Nam là có thể trồng cam sành rải vụ cho trái quanh năm. Tuy nhiên ông Châu cho rằng muốn trồng cam sành đạt hiệu quả không hề dễ dàng vì đòi hỏi phải có sự liên kết, thống nhất giữa các địa phương với nhau. Tỉnh này xử lý cho thu hoạch tháng này, tỉnh kia thu hoạch tháng khác mới giữ được giá cam. Còn nếu vẫn để nông dân tự “bơi”, rất dễ tái diễn tình trạng nhiều địa phương cùng thu hoạch một lượt dẫn đến dư thừa, giảm giá rồi lại đốn bỏ trồng cây khác. “Ở Nhật trồng cam công nghệ cao để xuất khẩu thành công là do quy định các tỉnh xử lý cho thu hoạch khác nhau, tránh ứ đọng. VN mình cũng nên làm như vậy để nông dân không bị cảnh được mùa mất giá” - ông Châu nói.
|