Làm gì để nhận biết loại thực phẩm dễ bị nhiễm chì?

Chì là một kim loại độc có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em và có thể gây ra các chứng rối loạn não và máu. Do đó, bạn cần loại bỏ ngay những món ăn dễ bị nhiễm chì nhất dưới đây ra khỏi danh sách ăn uống của gia đình để đảm bảo sức khỏe.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), rau muống là loại rau dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, chứa rất nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu.

Việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mạn tính, giãn thể miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Liều lượng kim loại nặng như chì trong cơ thể quá cao sẽ gây hại đến sức khỏe. Cụ thể là các biểu hiện ngộ độc mãn tính hoặc cấp tính.

Nhiễm chì sẽ lắng đọng ở các cơ quan như não, tủy xương, xương, gây nên nhiều bệnh tật. Không những vậy chì được hấp thụ vào máu sẽ lắng đong của các tổ chức cơ thể gây bệnh ở não, hồng cầu, gan, thận,…Đặc biệt lắng đọng chì ở xương sẽ làm canxi hóa sớm.

Trẻ em ăn rau muống nhiễm chì càng có nguy cơ bị ảnh hưởng hơn. Biểu hiện cấp tính có thể là ngộ độc, nôn mửa, co giật. Nhiễm độc mãn tính rất khó phát hiện, gây ảnh hưởng đến trí não, khiến cho trẻ không thông minh, chậm lớn và thiếu máu.

Phụ nữ mang thai ăn phải rau muống nhiễm chì có nguy cơ làm cho thai nhi kém phát triển hoặc làm dị dạng thai nhi.

 

 

Cách nhận biết rau muống nhiễm chì:

Để chọn được rau muống an toàn cho gia đình, chị em nội trợ cần lưu ý nhận biết rau muống nhiễm chì qua những điểm sau:

- Rau muống bị nhiễm chì có thân to hơn bình thường.

- Lá rau có màu xanh đen do hấp thụ nhiều kim loại nặng.

- Sau khi luộc rau, nước rau muống sẽ có màu xanh nhạt. Khi nguội nước đổi thành màu xanh đen, có vẩn đen kết tủa.

- Rau muống nhiễm chì ăn có vị chát chứ không ngọt.

Ngao, trai, ốc, hến...

Các nhà khoa học ở Đại học Y Hà Nội đã cho biết, trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asenic, nikel, chrome...

Đặc biệt đối với chrome, không có mẫu nào đạt tiêu chuẩn cho phép. Còn nikel chỉ có 0,8% số mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép.

ThS. BS Trịnh Bảo Ngọc, thành viên nhóm nghiên cứu nói: “Thủy sản ở tất cả các ao hồ được nghiên cứu đều nhiễm nikel, chrome vượt 10-15 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vào mùa khô, mức ô nhiễm này còn cao gấp 2-3 lần mùa mưa”.

Trong đó nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn.

Còn lại cao gấp từ 150-250% tiêu chuẩn cho phép. Riêng cua thì 100% mẫu không đạt “chuẩn”. Trong khi cá chép, rô phi, mè được coi là “an toàn” thì cũng có tới 50-60% không đạt tiêu chuẩn do WHO đặt ra.

Cách đây 10 năm cũng đã có một nghiên cứu cảnh báo về chất lượng cá tươi ở khu vực Định Công, Đầm Vực về hàm lượng arsenic, thủy ngân có trong thịt cá.

Đến nay, không những các chỉ số này không được cải thiện mà thủy sản ở đây còn bị nhiễm nặng hơn và nhiễm nhiều kim loại hơn. Cụ thể, hàm lượng chì và thủy ngân đã tăng 200-300% so với mức ô nhiễm năm 2000.

Triệu chứng ngộ độc chì:

Khi uống phải muối chì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu ngộ độc cấp như rát miệng, nôn, đau bụng, ỉa phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết…

Trường hợp ngộ độc chì trường diễn: xuất hiện vành đen ở lợi miệng rất sớm, người có thể có dấu hiệu thần kinh như thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nhức đầu, hoang tưởng ảo giác.

Để chẩn đoán ngộ độc chì trường diễn cần chú ý lượng chì có tự nhiên trong cơ thể: mức trung bình của chì trong máu 0,06mg/100ml, trong nước tiểu 24 giờ: 0,08 mg. Nếu hàm lượng chì có trong máu hoặc nước tiểu quá cao có nghĩa đã ngộ độc chì.

Ngộ độc chì rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em, bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng, song chì đã nhiễm và hủy hoại vĩnh viễn một số cơ quan chức năng trong cơ thể, như gan, thận, tiêu hóa, não...

Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào cơ thể với mức nào thì chì cũng có hại cho sức khỏe.

Bởi nếu tích tụ lâu dài, chì sẽ gắn chặt vào các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là hệ cơ xương, khiến cho quá trình đào thải càng chậm dẫn đến suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ mà không thể hồi phục, vô sinh, sẩy thai...

Riêng với trẻ em, chì có tỷ lệ nghịch với sự phát triển chỉ số thông minh, chỉ cần nồng độ trong máu là 100microgam/lít cũng đã ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ. Còn ở người lớn là 250microgam/lít, thận, hệ thần kinh… đã bị phá hủy, nếu cao hơn nữa, có thể hôm mê và tử vong.

 

Theo phapluatplus.vn