Lựa chọn thịt gà, vịt thế nào để tránh nhiễm cúm A(H7N9)
- Chủ nhật - 26/02/2017 07:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm A/H7N9 từ Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào, nhiều người dân cho rằng ăn thịt gà đông lạnh hay mua gà về nhà tự thịt sẽ giảm được nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh này. Tuy nhiên, đây là nhận định rất sai lầm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, một trong những thành viên tham gia dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (CIDA) thì thịt gà, vịt trên thị trường hiện nay khó có thể phân biệt đâu là an toàn tuyệt đối, báo GĐ&XH đưa tin.
Nếu bạn mua gà, vịt sống ở chợ về nhà giết mổ, chế biến thì đây chính là con đường lây nhiễm cúm A/H5N1, A/H7N9 dễ nhất, đặc biệt là khi đang xảy ra dịch cúm như hiện nay.
Do vậy, theo TS Nguyễn Thị Minh, cách để đảm bảo an toàn nhất là không nên mua gà, vịt sống về nhà tự làm thịt, bởi việc đó không chỉ nguy hiểm cho người trực tiếp làm thịt gà, vịt mà còn vô tình mang nguồn virus cúm về nhà, gây nguy hiểm cho các thành viên khác trong gia đình và cho chính cộng đồng mà mình đang sinh sống.
Trong khi dịch cúm đang diễn ra, tốt nhất người nội trợ chỉ nên mua gà, vịt mổ sẵn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả nhà. Khi chọn gà, vịt mổ sẵn, bạn nên lựa chọn theo tiêu chí sau: Gà, vịt có màu sắc tự nhiên, da không có vết bầm, thớ thịt tươi, độ đàn hồi cao, thịt không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu. Màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, có màu hồng, không có mảng bầm, tím, tụ máu. Ấn tay vào thấy thịt mềm, có độ dính.
Trả lời phỏng vấn PV Báo ANTĐ ngày 19/2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khẳng định, nếu gà đông lạnh hay trứng gà đã nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9, H5N1 thì vẫn hoàn toàn có khả năng lây bệnh sang người giống như cơ chế lây truyền từ gia cầm sống nhiễm bệnh sang người.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, dù là gia cầm sống hay gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm khi nhập khẩu, giao thương trên thị trường đều phải có kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì mới được coi là đảm bảo chất lượng.
Còn tất cả các sản phẩm từ gia cầm sống đến thịt gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm, nếu nhập lậu qua các đường tiểu ngạch, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người tiêu dùng đều không nên sử dụng.
Vì vậy, nên chọn kỹ lưỡng những con gà, vịt đang sống khỏe mạnh và yêu cầu người bán hàng giết mổ, sát muối và rửa sạch sẽ rồi mới mang về nhà. Mang về chỉ còn một việc là cho gà và nồi là đảm bảo an toàn nhất. Nếu mang về vẫn phải thái chặt thì sau khi làm xong cần phải rửa sạch dao thớt bằng nước rửa bát và dội lại nước sôi.
Trung Hùng (Tổng hợp theo báo ANTĐ, GĐ&XH)