Hiện nay tình trạng rau ngậm hóa chất được bày bán tràn lan trên thị trường, đây là mối lo ngại cho chị em nội trợ. Vậy để phân biệt được rau có hóa chất và rau không có hóa chất dựa vào đâu?
Những ca ngộ độc thực phẩm mỗi năm phần lớn là do ăn phải rau củ tồn dư lượng hóa chất vượt mức cho phép, chủ yếu là thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng.
Trường hợp nhẹ sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nặng có thể ảnh hưởng đến hô hấp, gây đột biến và phát sinh ung thư.
Dưới đây là một số cách phân biệt một số loại rau thông dụng hằng ngày:
Rau muống
Rau muống là loại rau dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, chứa rất nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, nhiễm chì.
Khi luộc, nếu nước rau luộc còn nóng có màu xanh nhạt, khi để nguội thành màu xanh đen, có vẩy đen kết tủa rau không an toàn. Hơn nữa, rau bị nhiễm độc chì khi ăn thường có vị chát.
Giá
Giá có màu trắng nhạt, thân và rễ dài, khó gãy là giá sạch. Giá đỗ sạch có phần lá mở ra hoặc nhìn từ ngoài sẽ thấy mầm lá nhú màu vàng hoặc màu xanh.
Với loại giá có ngậm hóa chất thường có màu trắng tinh, thân tròn lẳn, ít rễ trông khá bắt mắt. Giá ngâm hóa chất có hai hạt mầm đóng chặt với nhau. Loại giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn không ngon và dễ gây độc hại.
Mồng tơi
Rau mồng tơi sạch có thân vừa phải, lá nhỏ và hơi mỏng, xanh nhưng không bóng mượt, thỉnh thoảng có đốm sâu. Còn với rau mồng tơi có hóa chất, lá óng, mướt, mang màu xanh thiếu ánh sáng, ngọn vươn dài, mẫm mụp, không sâu bệnh.
Rau cải
Cây rau cải có bẹ mập, thân thẳng tắp, đều một cách bất thường, lá xanh ngắt, không có dấu hiệu của sâu bọ, có thể chúng đã được bón phân và thuốc trừ sâu quá nhiều. Rau cải sạch thân thường rắn, lá xuất hiện nhiều đốm sâu.
Mướp đắng
Mướp đắng sạch, an toàn có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti, quả dáng dài. Những quả mướp đắng to, màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng có thể bị nhiễm thuốc kích thích sinh trưởng./.
Rau không rõ nguồn gốc đang đẩy lùi... rau an toàn