Những điều cần biết về bệnh nhiễm sán dải heo
- Thứ tư - 20/03/2019 20:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, PGĐ Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) chuyên gia về bệnh ký sinh trùng chia sẻ với bạn đọc báo NNVN.
Trong bệnh nhiễm sán dải heo, cần phân biệt 2 thể bệnh: Thể bệnh tại đường ruột và thể bệnh gạo heo ở các cơ quan nội tạng như mắt, não, hệ thần kinh trung ương...
Tại đường ruột, do sán dải heo trưởng thành ký sinh tại ruột non. Bệnh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Để chẩn đoán đúng, cần làm xét nghiệm phân tìm thấy đốt sán hoặc trứng sán có vỏ dày, màu sậm và có 6 móc. Khi đã xác định đúng mắc bệnh sán dải heo, điều trị chỉ cần dùng 1 liều duy nhất thuốc Praziquantel 15-20 mg/kg cơ thể, uống sau khi ăn 1 giờ.
Làm sao biết được mình đã hết sạch sán dải heo? Sau 2-3 tháng không thấy đốt sán theo phân và xét nghiệm phân không thấy đốt sán hoặc trứng sán.
Trị hết rồi, làm sao để phòng bệnh?
Do bệnh lây nhiễm từ phân người chứa trứng sán dải, phân heo chứa trứng sán và thịt heo chứa nang sán, do đó phải: giám sát thịt heo, tìm ấu trùng trong thịt; Ăn thịt heo nấu chín hoặc sau khi giữ trong lạnh (ấu trùng tồn tại được trong nhiều tháng ở +40C nhưng chỉ được vài giờ trong -80C và chết nhanh chóng ở -450C;
Quan trọng cần chú ý là vệ sinh chăn nuôi heo và quản lý chặt chẽ phân người.
Với thể bệnh gạo heo ở các cơ quan nội tạng: mắt, não, hệ thần kinh trung ương... gọi là Cysticercus cellulosae, là tên gọi đặt cho ấu trùng của sán dải heo Taenia solium, còn được gọi là bệnh gạo heo, thỉnh thoảng gặp ở một số cơ quan trên người.
Gạo heo là một bọc màu trắng đục, kích thước từ vài mm đến 10 mm, bên trong chứa một dịch trong và một đầu sán với hàng móc đặc trưng của đầu sán Taenia solium.
Người bị nhiễm Cysticercus cellulosae do 2 phương thức: Vô tình người nuốt phải trứng sán do đồ ăn, thức uống vấy bẩn phân người có chứa trứng sán Taenia solium; Hoặc thông thường hơn là người đang bị nhiễm sán dải heo Taenia solium ký sinh ở dạng trưởng thành tại ruột non, các đốt sán già bình thường thì theo phân ra ngoài nhưng do phản nhu động ruột nên bị đưa ngược lên dạ dày rồi bị vỡ ra, phóng thích rất nhiều trứng trong dạ dày. Dịch tiêu hóa giúp phôi thoát ra khỏi vỏ, theo máu mà phát tán, tạo thành nang sán ở toàn thân. Ở người, nang sán không thể tiếp tục hoàn thành chu trình mà đi vào thế ngõ cùng ký sinh.
Chu trình phát triển của bệnh gạo heo ở não, mắt, tim |
Bệnh do Cysticercus cellulosae gặp ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở những nơi mà sán dải heo Taenia solium còn phổ biến, việc chăn nuôi heo còn mang tính chất gia đình và việc quản lý phân người còn lỏng lẻo.
Người nuốt phải trứng sán dải heo theo hai đường: Đường thực phẩm như rau sống rửa không sạch có dính phân heo, nước uống bị vấy bẩn phân heo; Hay gặp hơn là do người bị nhiễm sán dải heo ở dạng trưởng thành Taenia solium, khi những đốt sán già bị phản nhu động ruột đẩy ngược lên dạ dày và bị tiêu hoá, phóng thích trứng chứa phôi.
Trứng bị nuốt vào dạ dày sẽ phóng thích ra phôi có 6 móc, phôi chui qua niêm mạc vào vách ruột theo hệ tuần hoàn lên tim, sau đó vào hệ đại tuần hoàn rồi phát tán khắp cớ thể, tạo thành bệnh gạo heo ở não, mắt, cơ, mô dưới da... Một số nang ấu trùng theo máu lên não, tạo thành nang sán ở não, có thể phát triển rất lớn, chèn ép não thất gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời
Khi gạo heo ở não: triệu chứng bệnh tùy vào nơi gạo heo định vị: động kinh, rối loạn tâm thần, suy nhược, nhức đầu...; Gạo heo ở mắt: gạo heo ở hốc mắt, mí mắt, kết mạc... Rối loạn thị giác tùy thuộc vào vị trí của ấu trùng trong mắt; Gạo heo trong mô cơ: đau cơ. Sau nhiều năm sẽ hóa vôi; Gạo heo dưới da: nốt, cục sờ được, đôi khi gây ngứa.
Làm sao xác định có bị bệnh gạo heo ở não? phải phối hợp các yếu tố dịch tễ, lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh (CT Scan, MRI não), sinh thiết khối u (ở vi trí có thể ), huyết thanh chẩn đoán miễn dịch (ELISA), …
Nếu chần đoán xác định được bệnh gạo heo ở não hoặc ở các cơ quan khác như mắt, cơ… thì phải điều trị nội khoa bằng thuốc kháng ký sinh trùng albendazole từ 1-2 tháng với liều 800mg/ngày ở người lớn hoặc 15mg/kg/ngày ở trẻ em. Kết hợp với thuốc chống phù não nếu cần. Bệnh đáp ứng tốt với thuốc đặc hiệu albendazole và nang sán sẽ thu nhỏ kích thước dần sau một thời gian điều trị mà không cần phẫu thuật.
Phòng ngừa sán dải heo, ngoài việc cần lưu ý đảm bảo vệ sinh chăn nuôi heo, quản lý chặt chẽ phân người, ăn chín uống sôi thì khi phát hiện bệnh, cần điều trị người nhiễm sán dải heo dạng trưởng thành.
Nguồn: nongnghiep.vn