Phải tập trung vào tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động ứng phó với dịch sốt xuất huyết
- Chủ nhật - 07/08/2016 20:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại buôn Jù (xã Êatu), ông Imui Adrơng, Trưởng thôn Jù, cho biết mùa mưa năm nay buôn có hàng chục hộ dân có người mắc SXH, đây là hiện tượng bất thường so với mọi năm. Người dân đã phun thuốc, đổ dầu mỡ để diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) nhưng không hiệu quả.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân trong phòng, chống SXH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với sự thay đổi của thời tiết ngày càng cực đoan, người dân cần nhận thức rõ để chủ động ứng phó với bệnh dịch SXH. Đây là loại bệnh đang không có vaccine, cứ có nước tù đọng là sẽ có lăng quăng. Không còn cách nào khác là phải tập trung vào tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động ứng phó.
Mặc dù tất cả các tổ dân phố ở TP. Ban Mê Thuột đều đã thành lập tổ truyền thông, song Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý cách thức tuyên truyền cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Các tuyên truyền viên không chỉ đơn thuần hướng dẫn cách phòng, chống bệnh SXH, biểu hiện của bệnh, triệt các nguồn nhiễm từ nước tù đọng mà cần đi thẳng vào vấn đề như mức độ nguy hiểm có thể gây chết người của dịch bệnh này, sự tốn kém về tiền bạc, thời gian khi phải đi điều trị ở bệnh viện… Từ đó giúp người dân hiểu rất cụ thể, rõ ràng về bệnh SXH và thay đổi hành vi sinh hoạt hằng ngày.
“Cán bộ y tế đến phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng cũng chỉ được ít ngày. Quan trọng nhất là phải thay đổi thói quen người dân không để cho nước tù đọng trong các vật dụng sinh hoạt, thả cá vào bể nước sinh hoạt, hòn non bộ để diệt lăng quăng, xử lý các vật liệu phế thải như lốp xe cũ, chum vại, chai lọ…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu không được để dịch SXH bùng phát, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống của người dân.
“Quan trọng nhất vẫn là ý thức của cộng đồng cùng tham gia vào đối phó, ngăn chặn dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.
Phát biểu tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH khu vực Tây Nguyên, chiều 7/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dịch SXH diễn biến theo chu kỳ, nhưng năm nay tăng cao đột biến, bên cạnh nguyên nhân về thay đổi thời tiết, khí hậu, một trong những nguyên nhân quan trọng là ý thức phòng, chống của người dân, cộng đồng.
Phó Thủ tướng nhắc lại yêu cầu phải có giải pháp để việc phòng, chống SXH và nhiều bệnh truyền nhiễm khác trở thành ý thức của từng người dân, cộng đồng. Muốn vậy, hoạt động tuyên truyền phải đi sâu vào người dân, cộng đồng với những cách tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu để dịch SXH hay các dịch bệnh khác không diễn biến thành chu kỳ như hiện nay.
“Chúng ta cố gắng tăng cường truyền thông là chính bởi vì phun thuốc diệt muỗi chỉ là cấp tập dập dịch trong một thời gian, căn bản là phải diệt lăng quăng, kết hợp truyền hình, truyền thanh, tờ rơi, cùng với đó huy động các đoàn thể chính trị, xã hội ở địa phương vào cuộc…”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý ngành y tế phải hướng dẫn cụ thể về cách điều trị, bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh; các địa phương có phương án bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 30/7, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp mắc tại 48 tỉnh, thành phố, 17 trường hợp tử vong. Trong đó miền Nam là 28.407 trường hợp (chiếm 57,9%); miền Trung ghi nhận 12.673 trường hợp (chiếm 25,8%); khu vực Tây Nguyên là 7.411 trường hợp (chiếm 15,1%). Hiện tỷ lệ người dân mắc bệnh SXH tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên cao gấp vài lần đến hàng chục lần so với mức trung bình của cả nước là 48,2/10 vạn dân. Điển hình, huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) có tỷ lệ mắc lên tới 1.282/10 vạn dân; huyện Eahleo (tỉnh Đắk Lắk) là 696; thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) là 808... Tính chung toàn vùng Tây Nguyên, tỷ lệ người mắc SXH là 168,1/10 vạn dân. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết người dân, ngành y tế, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch SXH nhưng tại nhiều buôn, làng, người dân còn lơ là, chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng bệnh; tỷ lệ tự điều trị tại nhà còn cao. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương cũng chưa coi trọng công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH. Việc xử lý ổ dịch SXH cũng chưa triệt để. Đơn cử tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) có hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh nhưng chỉ phun hóa chất diệt muỗi được 221 khu vực có trường hợp bệnh. Công tác điều trị tại một số cơ sở y tế có tình trạng quá tải như tại một số khoa điều trị của Bệnh viện tỉnh Gia Lai, Bệnh viện đa khoa TP. Pleiku thường phải tiếp nhận số bệnh nhân mắc SXH gấp 2-3 lần công suất giường bệnh. Nhiều ca bệnh thường đến cơ sở y tế tư nhân để điều trị, chỉ đến khi có biểu hiện nặng mới đến các cơ sở y tế của Nhà nước. Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố có số bệnh nhân mắc SXH gia tăng, nguy cơ lan rộng phải triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng với sự vào cuộc của các hội đoàn thể cơ sở; giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong… Trong ngày mai (8/8), Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị tập huấn trọng điểm để trang bị thêm kiến thức phòng, chống dịch SXH cho cán bộ y tế 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. |
DT.