Phát triển cây ăn quả đặc sản: Nâng cao thu nhập cho nông dân

Phát triển cây ăn quả đặc sản: Nâng cao thu nhập cho nông dân
Với thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/ha, có mô hình đạt 1 tỷ đồng/ha, phát triển cây ăn quả đặc sản đang là bước đột phá để các xã của Hà Nội đạt tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thiên Tú.

Trang trại nhãn chín muộn của gia đình ông Trần Văn Bảy ở xã An Thượng (Hoài Đức) có trên 1.000 gốc nhãn, mỗi năm thu trên 1 tỷ đồng/ha. Vườn nhãn của gia đình ông Bảy là mô hình phát triển cây ăn quả đặc sản trong Đề án Phát triển cây ăn quả Hà Nội giai đoạn 2011-2016.

Nhãn chín muộn có chất lượng đặc biệt thơm ngon, lại là loại quả trái vụ nên được thị trường ưa chuộng. Nhiều tỉnh miền Bắc, miền Nam đã đến thăm và học tập mô hình của gia đình ông Bảy. Ông Bảy cho hay, gia đình đang tiếp tục mở rộng diện tích và cung cấp giống cho các huyện có lợi thế trồng nhãn chín muộn.

Thực hiện đề án Phát triển cây ăn quả Thủ đô giai đoạn 2011-2016, trong hai năm 2011-2012, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội đã triển khai thâm canh 60ha nhãn chín muộn, trồng mới 10ha và ghép cải tạo vườn tạp kém hiệu quả 5ha tại Hoài Đức. Sau 2 năm triển khai, mô hình cho hiệu quả cao, thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, được nhiều hộ chọn lựa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo quy hoạch, vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung dọc theo bãi sông Đáy, trung tâm là xã Đại Thành (Quốc Oai) với 115ha và xã An Thượng (Hoài Đức) 50ha, sau đó phát triển ra các xã lân cận. Đặc biệt, vùng sản xuất nhãn muộn đặc sản 20ha tại xã An Thượng (Hoài Đức) sản lượng 256,7 tấn/năm đã được trao Giấy chứng nhận VietGAP. Làm việc tại địa phương, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng nhãn chín muộn Hoài Đức là tiền đề thúc đẩy phát triển, nhân rộng mô hình, hướng tới xuất khẩu.

Ngoài nhãn chín muộn, mô hình phát triển bưởi Diễn, cam Canh, chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ... đang được nhân rộng tại các địa phương. Đây là những cây ăn quả chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao.

Hà Nội hiện có 13.535ha trồng cây ăn quả; nhu cầu tiêu thụ khoảng 960.000 tấn/năm, trong khi sản xuất tại chỗ mới đạt 180.600 tấn. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh (60%) và từ nước ngoài (20%). Mục tiêu đến năm 2016 sẽ đạt 16.400ha, tăng 3.000ha so với hiện nay. Trong đó, diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao gồm bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam Canh, nhãn chất lượng, chuối nuôi cấy mô trồng mới 1.500ha, thâm canh cao đạt 550ha. Đến năm 2020, diện tích cây ăn quả Hà Nội đạt 18.000ha. Năng suất cây ăn quả tăng từ 7-10%, đến năm 2016 sản lượng đạt 230.000 tấn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, phát triển cây ăn quả tập trung tại vùng đồi gò, đất bãi ven sông, vùng trồng lúa khó khăn về nước tưới cần chuyển đổi. Theo đó, bưởi Diễn phát triển tại các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Sóc Sơn; nhãn chất lượng cao tập trung tại Hoài Đức, Quốc Oai, Mỹ Đức; trồng chuối sử dụng giống nuôi cấy mô tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Ba Vì, Phú Xuyên; cam Canh tại Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức...

 

Đỗ Minh

 

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn