Phòng chống sốt xuất huyết: Vẫn còn trên “nóng”, dưới “lạnh”

Phòng chống sốt xuất huyết: Vẫn còn trên “nóng”, dưới “lạnh”
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) mới chỉ “nóng” ở cấp thành phố, còn tại nhiều quận, huyện, nhất là ngoại thành Hà Nội vẫn còn thờ ơ. Dù SXH đang chững, nhưng còn chững ở mức rất cao, nên mọi sự chủ quan đều rất nguy hiểm trước diễn biến bất thường của mùa dịch bệnh SXH năm nay.
 

Cán bộ y tế tìm ổ lăng quăng, bọ gậy tại nhà dân ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ.

Phòng chống sốt xuất huyết: Trên nóng, dưới lạnh

Theo đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia Bộ Y tế cho thấy việc phun hóa chất và diệt bọ gậy tại địa bàn chưa triệt để, chỉ đạt khoảng 86%. Có khoảng 10% hộ gia đình đóng cửa khiến đội ngũ phun thuốc muỗi không tiếp cận được, 35% hộ không chấp nhận phun hết các tầng... Bên cạnh đó, việc tổ chức đội phun thuốc diệt muỗi chỉ có một người khi phải leo tầng cao với thời gian lâu, sức khỏe không bảo đảm dẫn đến nhiều nơi có tâm lý ngại, bỏ qua.

Như vậy, trái với nhiều nơi người dân rất sốt ruột và yêu cầu y tế phường/xã thực hiện phun thuốc muỗi chống dịch, thì tại nhiều địa bàn, người dân vẫn mang tâm lý bàng quan, thờ ơ và hoàn toàn thụ động không có biện pháp phòng, chống bệnh cho gia đình cũng như hợp tác với y tế địa bàn trong việc phun hóa chất.

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, dù 100% các phường đã có đội xung kích diệt bọ gậy nhưng một số nơi hiệu quả diệt lăng quăng, bọ gậy chưa cao.

Trong buổi làm việc vào ngày 22-8 tại huyện Thanh Oai, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhận định, huyện Thanh Oai vẫn còn tình trạng phòng, chống SXH theo phong trào. Các tổ xung kích đến hỏi qua loa, tổ giám sát chưa làm hết trách nhiệm, chưa triệt để nên khó dập dịch. Việc phun hóa chất cũng chưa triệt để, chưa vào sâu tận các ngõ ngách.

Qua thị sát thực tế, ông Hạnh cho biết, đối với hộ dân nào có người mắc SXH thì biết cách phòng chống, nhưng hộ nào chưa có thì còn rất chủ quan. Tổ xung kích cũng đã được thành lập, nhưng mới hoạt động được 50%, mới chỉ mang tính phong trào. Tại khu vực công cộng cũng chưa được triển khai toàn diện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc SXH. Dù SXH đang có dấu hiệu đi ngang, chững lại nhưng còn chững ở mức rất cao. Đánh giá về công tác xung kích, giám sát diệt lăng quăng, bọ gậy, Thứ trưởng cho biết, sáu đoàn giám sát của Bộ Y tế nhận thấy ở các hộ gia đình, nóc nhà, rãnh nước, các bãi đất trống... còn nhiều bọ gậy.

Thực tế, tại buổi thị sát vừa qua của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho thấy, đoàn kiểm tra của Bộ vẫn phát hiện còn lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình vừa được đội xung kích kiểm tra trước đó. Như vậy, mặc dù đã triển khai đội xung kích và đội giám sát đội xung kích, nhưng những ổ lăng quăng, bọ gậy vẫn chưa diệt được triệt để, sẽ là nguồn làm bùng phát loại muỗi truyền bệnh.

Cần kiên trì với công tác diệt lăng quăng, phun thuốc muỗi

Hà Nội hiện nay ghi nhận 2.195 ổ dịch, với 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, bảy người tử vong. Năm nay dịch đến sớm, tăng nhanh thời gian vừa qua và tập trung chủ yếu các quận nội thành và các huyện giáp ranh nội thành.

Xác định công tác diệt bọ gậy là rất quan trọng, Hà Nội đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy tại 548/584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện với tổng số 26.038 đội xung kích diệt bọ gậy với 63.119 người tham gia; 4.638 tổ giám sát công tác phòng, chống SXH với 10.095 người tham gia. Từ ngày 12 đến 22-8, các đội xung kích và các lực lượng khác đã kiểm tra được hơn ba triệu lượt hộ gia đình, hơn 5,6 triệu dụng cụ chứa nước; kiểm tra 3.887 lượt công trường xây dựng...

Trong bối cảnh thời tiết mưa nhiều như những ngày qua và chuẩn bị khai giảng năm học mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các sở, ngành đặc biệt là cấp xã/phường phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Những cá nhân, tập thể không hợp tác phòng chống dịch sẽ xử phạt nghiêm minh.

“Hà Nội cần bảo đảm 100% trường học được phun thuốc diệt muỗi ít nhất ba lần, không còn ổ bọ gậy, lăng quăng. Cấp xã phường cần kiên trì diệt lăng quăng, bọ gậy. Cần xem lại mô hình đội xung kích diệt bọ gậy để hoạt động hiệu quả hơn. Hà Nội nên tiếp tục huy động bộ đội, công an, học sinh tham gia phòng chống dịch, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết”, Thứ trưởng nói.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng tăng cường phối hợp phòng chống SXH. Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục và đào tạo, học viện, trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, bảo đảm 100% các đơn vị không có bọ gậy.

Với Bộ Xây dựng, Bộ Y tế đề nghị cơ quan này phối hợp, chỉ đạo sở xây dựng các tỉnh, thành phố, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc, Ban quản lý các công trình, các chủ thầu, nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện tốt vệ sinh, loại bỏ các vật dụng phế thải, các ổ đọng nước tại các công trình, công trường xây dựng; bảo đảm 100% công trình xây dựng, khu vực nơi ở, lán trại của công nhân, người lao động không có bọ gậy. Đồng thời, kiên quyết xử lý các đơn vị không tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành y tế để phát sinh nguy cơ dịch bệnh.

Liên quan đến công tác chống dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiện toàn lại và duy trì ổn định mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH tại các xã phường trọng điểm, bổ sung cộng tác viên tại những xã, phường có nguy cơ cao.

Tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác phòng dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố diễn ra chiều 24-8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu tất cả các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phải thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND TP... về công tác phòng chống SXH.

Chủ tịch nhấn mạnh công tác tuyên truyền đến các thôn xóm, từng hộ gia đình với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước” để người dân tự giác tham gia diệt bọ gậy, phòng chống muỗi đốt. Đồng thời tuyên truyền đến chủ các công trình xây dựng, lán trại, đến sinh viên ở trọ trong các khu vực ẩm thấp, không bảo đảm vệ sinh...

Chủ tịch UBND TP yêu cầu cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thuốc phun xem có đúng tỷ lệ, liều lượng hay không. Đối với khâu khám và điều trị, khi bệnh nhân nhập viện phải làm ngay công tác phân loại để có phác đồ điều trị phù hợp và tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Cần tăng cường kiểm tra đột xuất và kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyền của các đơn vị, địa phương. Đặc biệt, xử lý, xử phạt nghiêm các cá nhân, đơn vị không hợp tác hay không tuân thủ quy định trong phòng chống dịch.

Tuần vừa qua, số ca mắc SXH ở Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ và đi ngang. Tuy nhiên, tại buổi làm việc gần đây tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cảnh báo, không được có tâm lý, thờ ơ và chủ quan khi dịch chững lại. Bởi vì, với diễn biến thời tiết của miền bắc như hiện nay, tình hình dịch SXH còn tiềm ẩn nguy cơ cao đặc biệt có khả năng lây lan từ đối tượng người lớn sang trẻ nhỏ khi năm học đang gần kề.

TRẦN NGUYÊN - THU PHẠM/nhandan.com.vn