Rượu kém chất lượng, mùi thơm chết người

Rượu kém chất lượng, mùi thơm chết người
Một ít cồn, hương cốm hóa học và nước lã sẽ cho thứ rượu thơm lừng. Nhưng loại cồn và hương liệu đó có nguồn gốc từ đâu, ngay cả người sản xuất cũng chịu.

Tại làng Đại Lâm, Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh, có công thức pha rượu đế đặc biệt là cồn, nước lã, hương cốm để ra rượu.

Cồn làm bằng gì, không ai biết

Theo tìm hiểu của PV VTC News, mỗi nhà có một công thức để pha rượu đế. 

Để rượu có mùi vị ngon, họ pha theo công thức: 1 lít cồn, 1,5 lít nước lã, 1 lít rượu gạo, hoặc giá bán rẻ thì 1 lít cồn, 2,5 lít nước lã, thêm chút hương cốm. Nhà thì chế thêm rượu gạo, nhà chế thêm rượu sắn… với tỉ lệ tùy giá thành bán ra.

 

Rượu kém chất lượng, mùi thơm chết người
Những thùng phuy xanh chứa đầy cồn 90 độ
Tuy nhiên, để có rượu đế pha cồn ngon, theo những người làm rượu ở đây, phải mua đúng loại cồn xịn.

 

Cồn có rất nhiều loại, nhưng phải mua được cồn Lam Sơn, giá 18.000 đồng/lít. Nếu mua cồn giá rẻ độ cồn thấp, uống hắc thì khách uống phát hiện ra ngay. Cồn Lam Sơn uống êm, rất vào.

Bà Y, một người từng làm rượu ở làng giờ đã giải nghệ cho biết: “Cồn này thơm lắm, ngọt, ở đây tinh rượu gạo là toàn pha cồn thôi, đi bán, ai cũng khen ngon. Còn rượu gạo mà lại pha rượu sắn thì không nói dối được.”

Để phân biệt rượu có pha cồn hay không, bà Y. thừa nhận, “Chỉ có người làm mới biết, chứ đến tôi uống cũng còn không biết nữa là khách hàng”.

Tìm hiểu về cồn và hương liệu làm rượu đế, ở nhà chị H., chúng tôi được chào mời: Cồn này nếu các em mua, chị sẽ mua hộ, chứ cái này phải đăng ký trước mới có hàng ngon. Cồn được cất từ mật rỉ đường và hoa quả đấy. Vì công ty người ta có nhà máy nên khử hết mùi hắc…

Những thùng phuy cồn ở làng Đại Lâm màu xanh, chất liệu nhựa hoàn toàn không có nhãn mác xuất xứ. Dân làm rượu cồn trong làng đều mua từ một mối bán buôn là nhà P.D.

Cô Y kể: “Mỗi năm nhà này đăng ký bao nhiêu nghìn thùng phuy. Mới sáng ra, xe đã chở cồn đến nhà bà hàng xóm nhà tôi này. Ô tô chở hàng trăm phuy. Nhà nó có mấy cái nhà to đùng…”

Theo lời của chị H. một người làm rượu cồn thì: Nhà P. D này quen biết bên công ty Lam Sơn nên mua bao cả, người khác khó mà lách vào mua được nên phải mua lại của nhà P.D. Các nhà làm rượu cồn có nhu cầu mua, đặt trước, nhà P.D sẽ cho ô tô chở vài phuy đến tận nhà. 

Tuy nhiên, chất lượng cồn mà dân làng Đại Lâm sử dụng có đúng cồn thực phẩm của công ty CP mía đường Lam Sơn (Lasuco) không, hay là cồn mua trôi nổi trên thị trường?

Trao đổi với PV VTC News, ông Lê Văn Tân, phòng kinh doanh Lasuco cho biết: Thông thường Lasuco chỉ bán cho những đơn hàng thường từ 5.000 lít trở lên. Khi khách hàng mua theo téc 20 tấn về sẽ san ra bán lẻ nên khó có nhãn mác trên thùng phuy.

Ông Tân cho biết, nhìn về cảm quan khó mà biết đâu là cồn của Lasuco, đâu là cồn trôi nổi khác trên thị trường. Vì vây, khó có thể xác minh. Nếu muốn biết có phải của cồn của Lasuco thì phải mang đi phân tích hàm lượng Aldehit, Methanol… xem có độc không, có đúng các chỉ tiêu chất lượng đã đăng ký hay không. 

Khi PV đặt câu hỏi có khách hàng quen thuộc, tên là P.D ở làng Đại Lâm, Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh hay không, ông Tân cho rằng không có khách hàng này mua cồn ở Lasuco.

Mùi thơm chết người

Ngoài cồn, rượu đế tại Đại Lâm còn  được pha bằng chút hương cốm tạo độ thơm cho rượu có thương hiệu Mỹ Linh. 

 

Rượu kém chất lượng, mùi thơm chết người
Ngoài cồn, cốm hương liệu còn là "bí quyết" pha chế rượu của người dân Bắc Ninh
Sau khi pha nước lã với cồn, chồng chị H vào nhà mang ra chai hương Cốm. Chồng chị H. nói: Pha rượu cồn 30 lít mới cho 1 chén hương cốm thôi, cho nhiều bị phát hiện ngay vì nồng.

 

Miệng nói, tay làm, chồng chị H ngoáy tí hương cốm màu trong vắt đặc sánh cho vào tí cốc rượu, mùi gạo thơm lừng. 

Theo chị H. nếu muốn mua hương cốm chị cũng mua cho với giá 40.000 đồng/chai thủy tinh. Chai hương cốm đề “hương cốm Mỹ Linh”. Tuy nhiên, địa chỉ, điện thoại công ty không hề có.

Như vậy, với nước lã, cồn và hương liệu, nhiều thực khách được uống kèm loại rượu đế “đặc biệt”. Thực chất là rượu cồn, nhưng khi bán ra, người bán vẫn “lòe” người mua bằng giá thật. 

Chúng tôi đã tìm hiểu về nguồn gốc chai hương liệu cốm có thương hiệu Mỹ Linh ghi góc nhãn hàng Cty CP cồn rượu Hà Nội (Halico). Tuy nhiên, chai hương liệu này không đề rõ địa chỉ công ty sản xuất và cung cấp.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, Halico không có sản phẩm hương liệu nào để cho vào rượu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, phòng Marketing, công ty CP cồn rượu Hà Nội khằng định, Halico không có sản phẩm hương cốm với thương hiệu Mỹ Linh. Có thể người dân đã tái dùng vỏ chai rượu của công ty. Việc họ sử dụng vỏ chai rượu để tái sử dụng, Halico không thể kiểm soát được. 

Cho cả chất độc Methanol vào rượu 

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, pha 1 lít cồn hơn 90 độ với 1,5 lít nước sẽ ra rượu 40 độ.

Hiện, tại Việt Nam cồn rượu của các công ty như Cty CP cồn rượu Hà Nội, Cty CP rượu Bình Tây (TP. HCM), Cty CP Bia rươu Sài Gòn - Đồng Xuân, Phú Thọ là đầu bảng. Các công ty này có dây chuyền sản xuất cồn thực phẩm. 

Cồn ở đây được chiết suất từ gạo, sắn, mía, ngô… Cồn của các nhà máy thường có nồng độ cồn cao trên 90 độ và tinh chế theo tiêu chuẩn Việt Nam nên hàm lượng methanol chỉ được phép hiện diện trong rượu là 0,1%.

Cũng theo TS Thịnh, Methanol đó có thể phát sinh ra trong quá trình sản xuất chế biến, chưng cất, chứ nguyên tắc không được dùng methanol để sản xuất rượu, vì nó có thể gây độc chết người.

Tuy nhiên, nếu cồn được dùng ở làng Đại Lâm không hề có nhãn mác thì có thể là cồn trôi nổi. Cồn sản xuất thủ công từ rỉ đường, sắn, càng không kiểm soát được độc tố nên có thể chứa Aldehit và Metanol hàm lượng cao. 

Cồn trôi nổi trên thị trường có thể là cồn công nghiệp dùng cho sát trùng trong y tế, cho công nghiệp tổng hợp hữu cơ hoặc dùng cho xăng thì không cần tinh chế.

TS Thịnh cho biết: Thông thường, cồn chứa Methanol sinh ra trong quá trình lên men chỉ gây ngộ độc chứ không gây chết người. Tuy nhiên, thực tế, có những người vì lợi ích trước mắt nên mua Methanol từ Trung Quốc và pha lẫn vào rượu để tăng dung tích, tăng lợi nhuận, hạ giá thành mỗi lít rượu. Vì vậy, người uống vào rất dễ tử vong khi uống nhiều.

Cồn trôi nổi có hàm lượng Methanol cao gây chết người, nôn mửa, mù mắt. Với rượu được chế Methanol không thể nhận biết thông thường mà phải phân tích hóa học.

 

 Nhận biết rượu thật với rượu kém chất lượng thế nào?

 

Rượu kém chất lượng, mùi thơm chết người
 
Có lẽ, đây là câu hỏi luôn ám ảnh người tiêu dùng, trước những tác hại mà rượu kém chất lượng gây ra. 

 

Ông An Sơn Hà, phòng Phát triển thị trường, Halico cho biết, để phân biệt được rượu chính hãng do Công ty cp Cồn Rượu Hà Nội (Halico), dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trên thân chai Vodka Hà Nội đều có logo và tên Công ty Rượu Hà Nội được in nổi. Nhãn được in Sticker nhựa trong, nắp chai có in hình nậm rượu và chữ dập nổi, ngày sản xuất được in trên rãnh đứt của nắp chai.

Với những dòng chữ nổi thiếu sắc nét, vị trí in ngày sản xuất không đúng vào rãnh đứt của nắp, chai rượu không được làm bằng thủy tinh trong suốt, màu của sản phẩm nhòe nhoẹt... là dấu hiệu cảnh báo người tiêu dùng đang sử dụng phải rượu kém chất lượng.

Một chiêu nữa giúp người tiêu dùng không mua phải rượu kém chất lượng chính là nên tìm đến đúng đại lý để tránh mua phải hàng kém chất lượng

Theo VTC News