Sốt xuất huyết hoành hành dữ dội
- Chủ nhật - 30/07/2017 09:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tranh minh họa.
64,4% người mắc bệnh tại khu vực miền Nam
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện bệnh SHX lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước có dịch sốt xuất huyết nặng nề.
Năm nay, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, hiện 61 tỉnh, thành phố ghi nhận có trường hợp mắc sốt xuất huyết; chỉ có hai tỉnh chưa ghi nhận ca mắc gồm Cao Bằng và Hà Giang. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, năm nay dịch SXH xuất hiện sớm hơn với các ca mắc ngày càng nhiều và dự báo dịch còn tăng, diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, năm nay tại TP HCM và khu vực miền Nam, số ca mắc SXH tuýp 2 tăng cao hơn hẳn so với năm trước nên xuất hiện nhiều ca nặng. Trong đó, có một số quận, huyện có số bệnh nhân mắc SXH tăng hơn 50% như: quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân,…
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, qua giám sát dịch tễ, số người mắc SXH vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (chiếm 64,4%) và miền Trung (chiếm 19,9%). Khu vực miền Bắc, dịch SXH đang bùng phát mạnh ở Hà Nội khi địa phương này đang đứng thứ 3 cả nước về số người mắc với gần 7.000 trường hợp.
Ông Phu cho biết thêm, SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn. Cụ thể, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, nếu mới mắc SXH lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các típ virus còn lại.
Vì sao dịch bùng phát dữ dội?
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh SXH trong năm nay là do mùa Hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Trong khi tập quán tích trữ nước của người dân ở nhiều nơi chưa có thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.
Đáng lưu ý, sự chủ động, phối hợp của người dân và các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch SXH tại một số địa phương chưa cao, việc triển khai biện pháp phun hoá chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để, nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí…
Chính vì vậy, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị Trung ương đã xử phạt 151 trường hợp, tại TP HCM (149 trường hợp) và Hà Nội (2 trường hợp) vì cố tình không xử lý các điểm nguy cơ phát sinh ổ dịch SXH trong khu vực quản lý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Ngoài ra, người dân còn có sự nhầm lẫn về loại muỗi truyền bệnh SXH và muỗi gây sốt rét (sống ngoài đường, bờ bụi), viêm não (sống ở chuồng trâu, chuồng bò). Trong khi muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là loại chỉ ưa đẻ trứng ở những vùng nước sạch. Do đó, nếu người dân chỉ chú trọng tiêu diệt bọ gậy ở các ao tù, cống nước, chỗ bẩn là chưa đúng. Thay vào đó, cần lưu ý làm sạch các vùng nước, dụng cụ chứa nước sạch ngay trong nhà như lọ hoa, cốc nước, chạn bát, thậm chí ống nước.
Theo TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Việc phun hóa chất chỉ có tác dụng nhất thời đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Đặc biệt, muỗi vằn đốt người là con cái, chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn và các đồ dùng trong nhà. Do đó việc tránh bị muỗi đốt và diệt bọ gậy/lăng quăng là cách hữu hiệu và cần đẩy mạnh để kiểm soát dịch bệnh.
Tuyệt đối không tự điều trị
Liên quan đến điều trị bệnh SXH, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được tự ý điều trị khi bị sốt mà phải đến các cơ sở y tế bởi nếu người bệnh mắc SXH mà không được phát hiện, điều trị kịp thời hậu quả sẽ nghiêm trọng khiến bệnh nhân nặng lên hoặc tử vong do biến chứng của bệnh SXH gây ra như: tràn dịch màng phổi, rối loạn đông máu, suy giảm tiểu cầu gây chảy máu cam dữ dội, xuất huyết đường tiêu hóa, suy tạng, xuất huyết não....
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương, SXH nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Song, đáng lo ngại là bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.
Các bác sĩ nhận định, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt, đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Trước diễn biến căng thẳng, phức tạp của dịch SXH, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân phải người dân tổng vệ sinh 2 tuần/lần để diệt lăng quăng, bọ gậy; Đậy kín các dụng cụ chứa các nguồn nước có thể làm môi trường cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi.
Cụ thể như đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn các phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây, vỏ dừa, lá cây khô, nắp bia… Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng chống muỗi đốt ban ngày. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Lê Vân/daidoanket.vn