Tại sao tình yêu là liều thuốc độc?

Tình yêu thường được ví von như một liệu thuốc độc. Trên thực tế, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng sự lãng mạn của tình yêu cũng có tác dụng kích thích não bộ như chất ma túy.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng vùng não của những người đang yêu phản ứng tương tự như khi họ được thăng chức hay thưởng. Vùng não đó được gọi là trung tâm thỏa mãn – rất quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, nó thúc đẩy sự ham muốn quan hệ tình dục.
 
Nghiên cứu được tiến hành bằng cách chụp cộng hưởng từ não của 10 phụ nữ và 7 đàn ông đang yêu say đắm. Tình yêu của họ kéo dài từ 1 tháng cho đến 2 năm. Những người tình nguyện được cho xem ảnh của người yêu và ảnh của một người trông giống với người yêu của họ.
 
Sự lãng mạn của tình yêu cũng có tác dụng kích thích não bộ như chất ma túy
Sự lãng mạn của tình yêu cũng có tác dụng kích thích não bộ như chất ma túy
 
Các nhà khoa học nhận thấy rằng não của những người yêu lâu năm phản ứng mạnh hơn khi nhìn thấy ảnh người yêu so với não của những người mới yêu trong thời gian ngắn. Phản ứng này tương tự như việc chúng ta nhận được một phần thưởng.
 
“Tình yêu say đắm làm kích thích hệ thống não bộ giống như khi một người nghiện thuốc ma túy”, tiến sĩ Arthur Aron, nhà tâm lý học thuộc trường đại học bang New York (Mỹ) và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
 
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, tình yêu mang lại hai cảm xúc say đắm và sự lo lắng. Hai cảm xúc này thường đan xen nhau trong thời gian mới yêu. Sau đó, cảm xúc say đắm sẽ giảm dần kèm theo sự lo lắng cũng giảm dần, nhưng mối quan hệ ràng buộc sẽ tăng lên.
 
“Đối với phần lớn mọi người, tình yêu say đắm sẽ nhạt phai dần, nhưng sự ràng buộc sẽ tăng lên. Điều này giúp các cặp đôi có thể gắn bó với nhau trong thời gian dài để nuôi con cái. Tình yêu nhạt phai cũng đồng nghĩa sự lo lắng cũng giảm theo”, tiến sĩ Aron cho biết.
 
Minh Thiên (Theo Daily Mail)