Thải độc cơ thể để ngừa ung thư

Thải độc cơ thể để ngừa ung thư
Ung thư đang là vấn đề báo động khi Việt Nam mỗi năm có 150.000 người mắc mới.

Theo các chuyên gia về ung thư, những giải pháp dự phòng và tầm soát ung thư sớm cần được ưu tiên đẩy mạnh ngay từ bây giờ.

Ung thư phần lớn do tác động từ môi trường

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy các ca mắc ung thư ngày càng có xu hướng tăng. Từ con số 68.000 ca mắc ung thư năm 2000 đã tăng lên 126.000 năm 2010, và dự báo sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Theo đó, số tiền bảo hiểm y tế Việt Nam phải chi trả cho điều trị căn bệnh này cũng tăng tới hàng trăm triệu USD mỗi năm (năm 2013 là 160.000.000 USD).

thai doc co the de ngua ung thu hinh 1
Luyện tập và ăn uống lành mạnh là một trong những cách phòng ung thư. Ảnh: Internet
GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, đưa ra con số đáng lo ngại khi mỗi năm nước ta có gần 80.000 người chết và 150.000 người mắc mới ung thư. Các nhà khoa học đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này: 35% do thực phẩm chưa an toàn, 30% do thuốc lá, do di truyền từ 5 - 10%, còn lại do các nguyên nhân khác.

Với ung thư, việc phòng bệnh phải ưu tiên hàng đầu. “Thực phẩm bẩn đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, bởi hoá chất trong thực phẩm khi đi vào cơ thể sẽ tích luỹ dần, bám chắc trong các mô cơ thể.

Nhưng khi đã ăn vào rồi làm sao thải ra? Nên việc thải độc cơ thể là vấn đề rất mới và cần quan tâm. Tuy nhiên người dân không nên dễ dãi áp dụng các phương pháp thanh lọc truyền tai nhau như: uống nhiều nước thay ăn, uống nước chanh... bởi đã có trường hợp tử vong vì truỵ tim mạch, suy kiệt do chỉ uống nước”, GS. Nguyễn Bá Đức nhấn mạnh.

Đánh thức hệ thống thải độc cơ thể

Tại hội thảo “Giải pháp đánh thức hệ thống thải độc cơ thể phòng ngừa ung bướu” vừa được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết, ngoài các chương trình dự phòng (cấm hút thuốc nơi công cộng) và sàng lọc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng chính là một trong những biện pháp dự phòng ung thư.

Xu hướng các can thiệp dự phòng ung thư trong tương lai sẽ tập trung vào các yếu tố: Kiến thức về gene của con người và công nghệ sinh học trong xử lý và điều chỉnh các gene gây ung thư; Tầm soát phát hiện sớm và một xu hướng mới đang được quan tâm tại các nước đang phát triển là bổ sung các chất chống oxy hóa mạnh, đặc biệt hoạt chất Sulforaphane, có tác dụng tăng cường đào thải độc tố ra khỏi cơ thể bằng cách kích thích làm tăng hoạt tính của các enzyme thải độc tại gan và bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các độc tố.

TS.BS Rudy Simons, chuyên gia công nghệ y học thuộc tập đoàn Frutarom Thụy Sỹ cho rằng: “Việc thải độc cơ thể theo liệu trình đã được các nước phát triển quan tâm từ hai thập kỷ trước, cách tốt nhất chính là đánh thức hệ thống thải độc cơ bằng việc bổ sung hoạt chất broccoRaphanin, giúp cơ thể sẽ tự sản sinh lượng glutathione lên 240% đồng thời tăng lượng enzyme có khả năng thúc đẩy sự gắn kết và đào thải độc tố của glutathione lên 8,1 lần, giúp tăng khả năng thải độc cơ thể lên nhiều lần, tránh nguy cơ nhiễm độc tế bào, ngăn ngừa ung bướu và các bệnh mãn tính”. Hiện nay broccoraphanin đã trở thành nguồn nguyên liệu quý được gần 20 quốc gia, trong đó, có Việt Nam ứng dụng sản xuất dược phẩm”.

Về việc thải độc, theo các chuyên gia, gan có cơ chế tự thải độc, giúp loại bỏ các chất thừa thãi, các độc tố ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, bình thường hệ thống thải độc chỉ hoạt động được 40% công suất, trong khi độc tố trong thực phẩm ngày càng nhiều nên cần phải bổ sung các chất oxy hoá, các hoạt chất làm tăng hoạt tính của các enzym tại gan bằng việc ăn các thực phẩm chứa nhiều glutathione như măng tây, mầm súp lơ, rau chân vịt, đậu bắp... Tuy nhiên, có những chất gan không thể loại bỏ được, do đó cách tốt nhất vẫn là hạn chế đưa chất độc vào cơ thể.

PGS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng cho biết, những người béo phì có nguy cơ cao mắc các loại ung thư: thực quản, tiền liệt tuyến, đại trực tràng, vú, nội mạc tử cung, thận.

Các yếu tố đầu vào khác như rượu sẽ gây ung thư khoang miệng, thực quản, gan, đại tràng và vú. Ăn mặn sẽ gây ung thư dạ dày, mũi, họng. Ăn nhiều thịt đỏ dễ gây ung thư đại trực tràng. Ăn thức ăn nấm mốc (aflatoxin) gây ung thư gan. Thường xuyên ăn uống các loại thức ăn, đồ uống quá nóng thường xuyên sẽ gây ung thư khoang miệng, thực quản. Ăn nhiều đồ nướng, đồ ăn nhanh gây ung thư dạ dày, đại trực tràng..

"Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi nhằm phòng ngừa căn bệnh ung thư, đó là việc thay đổi lối sống, cụ thể: bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, luyện tập thể thao đều đặn, ăn uống lành mạnh. Cần ăn nhiều rau củ quả để ngừa ung thư khoang miệng, thực quản, đại trực tràng. Ăn nhiều cá, tỏi, thực phẩm chứa nhiều canxi để ngừa ung thư trực tràng. Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều selen như lúa mì, ngô, bắp cải, đậu Hà Lan, cà rốt, thuỷ hải sản để ngừa ung thư phổi, đại trực tràng, tiền liệt tuyến. Thực phẩm chứa nhiều folate trong đậu, ngũ cốc chưa xay xát kỹ giúp ngừa ung thư tụy, thực quản, đại trực tràng"- PGS. TS Lê Thị Hương

Vinh Hải/Báo TNVN