Thổ phục linh - Lọc máu, giải độc

Thổ phục linh là loài cây mọc hoang, rất phổ biến ở khắp các vùng rừng núi ở nước ta. Đây là một vị thuốc mà các ông lang, bà mế người dân tộc vùng cao rất hay sử dụng.

Vị thuốc này cũng hay có mặt trên gánh thuốc của các bà hàng lá làng Đại Yên (Hà Nội) và các phòng chẩn trị Đông y.

''Thổ phục linh'' còn có tên là ''khúc khắc'', ''khau đâu'', ''dây chắt'', ''dây khum'', đồng bào dân tộc Dao gọi là ''mọt hoi dòi''; dân tộc Tày gọi là  ''cẩu ngồ lực''.  Tên khoa học là Smilax glabra roxb. (Smilax hookeri kunth); Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae).

Thổ phục linh là một loại  dây leo sống lâu năm, thân dài 4-5m, có thể tới 10m, có nhiều cành nhỏ, gầy, không gai, thường có tua cuốn dài.

Lá mọc so le, hình trái xoan thuôn, phía dưới tròn, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, chắc cứng, hơi mỏng, có 3 gân nhỏ từ gốc và nhiều gân con.

Hoa mọc thành tán chừng 20-30 hoa. Cuống chung chỉ ngắn chừng 2mm, cuống riêng dài hơn, chừng 10mm hay hơn. Quả mọng, hình cầu, đường kính 6-7mm, hình 3 cạnh, có 3 hạt.

Vị thuốc ''thổ phục linh'' là thân, rễ phơi hay sấy phô, có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông.
Thổ phục linh là một vị thuốc được dùng cả trong Đông y và Tây y (Tây y dùng với tên Salsepareille làm thuốc tẩy độc, làm ra mồ hôi, chữa giang mai...)
Trong dân gian thổ phục linh thường được dùng để tẩy độc cơ thể, bổ dạ dày, khoẻ gân cốt, làm cho ra mồ hôi, chữa đau khớp xương.
Theo Đông y, thổ phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, vào 2 kinh can và vị, có tác dụng đào thải các chất cặn bã và giải độc. Dùng chữa phong thấp, đau khớp xương, lở ngứa ngoài da, ung thũng (ung nhọt sưng đau), giải độc do thủy ngân,...
 
Liều dùng hàng ngày 10-20g dưới dạng thuốc sắc. Có khi dùng liều cao hơn.
Liều dùng hàng ngày 10-20g dưới dạng thuốc sắc. Có khi dùng liều cao hơn.
Dưới đây là một số ứng dụng cụ thể:
- Chữa bệnh vẩy nến: Thổ phục linh 40-80g, hạ khô thảo nam (cây cải trời) 80-120g.  Cả hai vị sắc kĩ với nước, chia 3 hoặc 4 lần uống trong ngày.
Thời gian điều trị trung bình là 79 ngày - ngắn nhất 23 ngày, dài nhất 118 ngày (Theo Những cây thuốc và vị thuốc VN).
- Chữa phong thấp, gân, xương đau nhức, tê buốt:
(1) Thổ phục linh 20g, cốt toái bổ (còn gọi là tắc kè đá, cây tổ rồng...) 10g,  thiên niên kiện 8g, đương quy 8g, bạch chỉ 6g; sắc kỹ với nước, chia  2-3 lần  uống trong ngày (Theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam).
(2) Thổ phục linh 50g, gọt bỏ vỏ, thái nhỏ; thịt lợn 100g; 2 thứ hầm kỹ, chia 2-3 lần ăn trong ngày (Triết Giang dân gian thường dụng thảo dược).
- Chữa giang mai:
(1) Thổ phục linh 40g, hà thủ ô 16g, vỏ núc nác 16g, ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) 10g, gai bồ kết (thiêu tồn tính) 8g; sắc nước uống (Kinh nghiệm dân gian Việt Nam). 
(2) Thổ phục linh 60g, ké đầu ngựa 15g, bạch tiên bì 15g, cam thảo 5g; sắc nước uống mỗi ngày một thang; liên tục 30 ngày - một liệu trình (Thảo mộc liệu pháp).
 
 
- Chữa ung nhọt, hạch độc lở loét do vi trùng giang mai (mai độc):
 
- Chữa ung nhọt, hạch độc lở loét do vi trùng giang mai (mai độc): Thổ phục linh 60g, kim ngân hoa 15g, bồ công anh 15g, rau sam (mã xỉ hiện) 20g, cam thảo 5g; sắc nước uống mỗi ngày một thang; liên tục trong nhiều ngày. Bài thuốc này còn có tác dụng tốt đối với trẻ nhỏ miệng lở loét do giang mai di truyền (Thảo mộc liệu pháp).
- Chữa trị chứng nổi hạch hai bên âm hộ, đau nhức, lúc nóng lúc rét: Thổ phục linh, rễ quít rừng, rễ cây bươm bướm - mỗi thứ 20g, cùng sắc uống (Lãn Ông - Bách gia trân tàng).
- Viêm da: Thổ phục linh 30g, dây kim ngân (nhẫn đông đằng) 20g, ké đầu ngựa 15g; sắc nước uống hàng ngày (Thảo mộc liệu pháp).
- Trị loa lịch:  Thổ phục linh tán thành bột mịn 20g, gạo tẻ 50g, nấu cháo ăn hàng ngày. Cũng có thể dùng 30g thổ phục linh sắc nước uống hàng ngày (Tích đức đường kinh nghiệm phương).
''Loa lịch'' còn gọi là ''lịch tử cảnh'', ''cảnh bệnh'', ''thử sương'' là chứng kết hạch ở cổ - loại nhỏ gọi là ''loa'', to gọi là ''lịch''. Thường phát ra ở cổ, trước hoặc sau tai; có khi lan tới dưới hàm hoặc dưới nách, hình dạng lổn nhổn như hạt châu. Thoạt tiên chỉ có vài mụn nhỏ như hạt đậu, dần dần số mụn tăng lên, kết tụ lại thành những hạch lớn hơn... Lúc đầu da không đổi màu, ấn vào không thấy đau; lâu ngày mới thấy hơi đau, khi vỡ mủ loãng như đờm hay nước đậu, lâu ngày không liền miệng, giống như mạch lươn hoặc hang chuột (nên còn gọi là ''thử lậu'')...
Theo Dantri