Thuốc chữa dứt HIV sắp ra đời?
- Thứ ba - 25/09/2018 22:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Bắc Carolina và Hệ thống Y tế quốc gia dành cho trẻ em (Mỹ) vừa công bố trên tạp chí khoa học Cell Reports công trình mà cả thế giới trông đợi: một loại thuốc chữa khỏi hoàn toàn cho người nhiễm HIV. Thử nghiệm giai đoạn 1 đã chứng minh tác dụng và độ an toàn của thuốc này.
Thuốc chữa HIV mới có thể đánh thức các tế bào HIV "ngủ đông", dẫn dụ chúng ra khỏi nơi ẩn nấp để rồi bị tiêu diệt hoàn toàn - ảnh: SHUTTERSTOCK
Tiến sĩ David Margolis (Đại học Bắc Carolina), một trong các tác giả cao cấp của nghiên cứu cho biết thuốc chữa HIV này là một liệu pháp miễn dịch, tức nó đóng vai trò một kích thích tố hiệu quả giúp hệ miễn dịch cơ thể vùng lên và đánh bại căn bệnh. Liệu pháp miễn dịch đang là hướng đi mới được nhiều nhà khoa học ứng dụng trong các phương pháp điều trị các bệnh nan y khác, ví dụ như ung thư.
Điểm đặc biệt của thuốc chữa HIV mới này là nó có thể dẫn dụ các tế bào HIV ở dạng "ngủ đông" ra khỏi vị trí ẩn nấp, để rồi bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch. Với các phương pháp trước đây, tế bào HIV "ngủ đông" dường như là bất khả xâm phạm bởi các thuốc cũ không cách gì tìm kiếm và đánh bại được, dẫn đến việc bệnh nhân không bao giờ thoát khỏi căn bệnh cho dù thuốc có giúp đưa bệnh về trạng thái ổn định.
Tiến sĩ Margolis cho biết ông và các cộng sự hy vọng có thể tạo ra thêm nhiều "bệnh nhân Berlin" nữa. "Bệnh nhân Berlin" là một người đàn ông Mỹ tên Timothy Brown, người duy nhất được y văn ghi nhận là được chữa khỏi HIV. Ông Brown đồng thời bị ung thư máu và được chữa bằng cách ghép tủy, điều này vô tình kích hoạt hệ miễn dịch của ông và nó đã chiến thắng luôn căn bệnh HIV một cách kỳ diệu.
Tuy nhiên, sau đó, khi các nhà khoa học nỗ lực lặp lại điều kỳ diệu trên 6 bệnh nhân HIV giai đoạn cuối, nó không hiệu quả và cả 6 người đã chết trong vòng 1 năm sau khi ghép tủy. Vì thế, thuốc chữa HIV mới này kỳ vọng đưa đến một cách tiếp cận liệu pháp miễn dịch an toàn hơn và trúng đích hơn.
Ngay sau khi công bố, các nhà khoa học đã lập tức nhận được tài trợ từ hãng dược phẩm GlaxoSmithKline: họ sẽ cung cấp 4 triệu USD/năm trong vòng 5 năm, tức tổng cộng 20 triệu USD để hỗ trợ nhóm nghiên cứu biến ý tưởng thành hiện thực.