Yêu nhau

Yêu nhau
Ai đã học thơ văn trên ghế nhà trường đều biết điển tích “chim liền cánh cây liền cành”. Tôi chỉ nhắc lại ở đây vài hàng.

Trời đất, thuở nào đó không rõ, sinh ra một giống chim kỳ lạ: Mỗi con chỉ có một cánh và một mắt. Muốn bay, hai con phải chắp cánh với nhau, một mắt thành cặp, một cánh thành hai. Ấy là định nghĩa của tình yêu. Tương tự như trong huyền thoại Hy Lạp cổ: Một nửa của đàn ông là đàn bà, một nửa của em là anh, hai nửa tìm nhau. Tình yêu là vậy. Như chim liền cánh.

Cây liền cành là chuyện của một thiếu phụ hái dâu. Là thứ dân nhưng nàng xinh đẹp, ông vua mê. Ông là vua, cho nên ông tự cho ông mọi quyền, kể cả quyền cướp vợ của người khác. Người chồng uất ức, tự tử. Người vợ bị triệu về kinh, vua muốn cưỡng bức. Người vợ nói: Muôn tâu bệ hạ, chuyện ấy được thôi nhưng xin bệ hạ thong thả chút xíu, để thiếp này tắm gội, thay áo cho thơm. Áo quần tươm tất, hình hài thơm tho, nàng ngửa mặt lên trời vái hai lạy rồi nhảy xuống từ lầu cao. Trong thi thể, nàng đã viết sẵn một lá thư xin được chôn chung một mộ với chồng. Ông vua ganh với cả người chết, hạ lệnh chôn riêng hai mộ khác nhau. Vài ngày sau, giữa hai mộ mọc lên một cây, cây ấy lớn dần, cành lá quấn quýt.
Ảnh: Duy Anh

Bạch Cư Dị đem tích ấy vào thơ, cho hiện hồn trong lời thề thốt giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi:

Trên trời nguyện hóa chim liền cánh

Dưới đất làm cây nhánh dính liền.

Người khuê phụ trong Chinh phụ ngâm cũng gửi tình yêu của mình như vậy đến chồng đang chinh chiến phương xa:

Thiếp xin về kiếp sau này

Như chim liền cánh, như cây liền cành.

Chuyện xưa, nhiều người biết. Nhưng cũng lạ: Con người phải mượn chim, mượn cây để định nghĩa tình yêu. Vậy tại sao lại chặt cây, phá rừng, giết chim, bắt thú? Trong cái hứng của tích xưa, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ đầu năm, mong những người yêu nhau cũng biết yêu tình yêu nơi vạn vật, yêu sự sống quanh mình.

Năm ấy, vào cuối thu, một người bạn mời tôi về cái cốc của anh để săn vịt trời. Cốc dựng lên giữa đầm lầy, trước mặt mênh mông lau sậy, hai bên rậm rạp cây cao, nơi mỗi năm một lần, vào cuối thu, các giống chim thiên di bay về trú chân một đêm, trước khi tiếp tục viễn du ngàn dặm nữa. Tôi yêu sông nước nhưng đặc biệt đầm lầy quyến rũ tôi hơn cả vì dáng bí mật của nó, nhất là vào chiều hôm, khi sương mù phủ nhòa cảnh vật, gió rì rào như nói chuyện với ai trên bông lau, trời thấp xuống gần mặt nước, các ngôi sao run rẩy như ướt lạnh.

Anh bạn đợi tôi trong cốc. Bước vào, mắt tôi chạm ngay các chiến lợi phẩm treo trên vách để trang hoàng và chắc cũng để phô trương tài xạ thủ của chủ nhân: nào bồ nông, nào mỏ nhác, gà rừng, diều hâu, cú mèo, cò, vạc, vịt trời... la liệt đủ loại. Dường như chừng ấy cũng chưa đủ để nói lên hào khí của tay thiện xạ, bạn tôi mặc một chiếc áo cánh rằn ri da báo và đội một cái mũ may bằng da hải cẩu. Chúng tôi ngủ một giấc ngắn, thức dậy lúc ba giờ, ra khỏi cốc để đi đến điểm hẹn. Trời cuối thu nhưng lạnh rút gân, đất cứng như đã chết, không khí đặc quánh làm khô rốc lá cây, côn trùng câm miệng, không rên rỉ được một lời. Mặt trăng cuối đêm nhợt nhạt treo trên không, tỏa một màn ánh sáng mờ mờ như hấp hối, buồn tênh. Chúng tôi lầm lũi đi bên nhau, vai chùng xuống dưới sức lạnh, miệng cóng, tai như sắp gãy, hai con chó săn chạy phía trước, hơi thở phì ra đầy khói. Đến nơi, quen chỗ, chúng lao thẳng vào một túp lều tranh mọc giữa lau, cạnh bờ nước. Nước đã đông cứng ngắt như đá, lau sậy khô queo, túp lều lộ ra giữa hoang vu như một bộ xương thời tiền sử.
Ảnh: NGUYỄN Á
 
Lạnh quá, tôi chịu không nổi, chui ngay vào chăn vẫn còn run. Ngửa mặt lên trời, vầng trăng lạnh vẫn còn đó như không đủ sức để di chuyển. Bỗng nhiên tôi ho, ho một trận dài như thử hai lá phổi báo động sắp đầu hàng, không thở được nữa. Bạn tôi sợ quá, chạy ra ngoài, bao nhiêu lá khô anh quơ hết mang vào nhúm lửa. Anh lẩm bẩm: “Thôi thế là hết săn!”. Bởi vì đây là chuyện tối kỵ trong nghề săn, lửa sáng lên sẽ làm chim thức giấc sớm quá, khi trời chưa sáng, súng chưa thấy đích.
 
Mà thực vậy, lửa vừa bốc lên, một tiếng kêu thảng thốt, lạc lõng, thét lên ngay trên đầu chúng tôi, tưởng chừng như một tiếng gọi hồn vẳng lại từ thuở hoang sơ trái đất. Tôi vùng ra khỏi chăn, tuôn ra cửa, bỗng khựng lại trước một cảnh tượng kỳ vĩ chưa bao giờ thấy: Mây hồng rạng đông hiện ra ở chân trời, đầm lầy như vừa dậy lại sức sống. Bạn tôi hét lên: “Tắt lửa!” Trên những vết mây hồng bắt đầu đậm nét, in hình bóng đen của những cặp cánh vịt trời bay qua lượn lại từng vòng. Một tia chớp lóe lên, “đoàng, đoàng”, bạn tôi vừa nổ phát đầu. Hai con chó lao đi như tên bắn. Vịt bay tán loạn. Tôi nổ súng. Bạn tôi bắn lia lịa. Chó lao bên tả. Chó lao bên hữu. Chó chạy đi. Chó chạy về, miệng ngậm con vịt lông thấm máu, mắt mở trừng trừng nhìn tôi như muốn hỏi nguyên do.
 
Ngày sáng dần, mây hồng bắt đầu nhường chỗ cho nền trời xanh. Một tia nắng chọc thủng chân mây, rọi sáng một vùng thung lũng đằng xa. Chúng tôi chuẩn bị ra về với đầy ắp chiến lợi phẩm, bỗng hai con chim, cổ vươn dài, cánh giăng thẳng, xẹt qua trên đầu tôi. Tôi nã súng. Một con rơi xuống ngay chân. Nó nằm ngửa, hai chân co quắp, bộ lông ngực trắng xóa đẫm đầy máu. Trên không, ngay trên đầu tôi, một tiếng chim gọi xuống, bi thảm, ngắn, xé ruột. Một tiếng, rồi hai tiếng, ba tiếng, tiếng gọi bây giờ nghe như than khóc, não nuột. Vừa kêu, con chim vừa quay cuồng trong màu xanh của bầu trời, nhìn bạn nó trong tay tôi. Bạn tôi quỳ gối, tì súng vào vai, mắt sáng quắc như nảy lửa, nhắm qua nhắm lại, chờ con chim bay đến gần.
 
Anh nói: “Cậu vừa hạ con mái, con trống không rời nó đâu”. Đúng vậy, con trống cứ vờn quanh chúng tôi, kêu thảm thiết với trời đất. Hình như nó biết bạn tôi đang nhắm nó, nó tránh mũi súng, có khi bay thật xa, mất hút trong bầu trời, như để mũi súng kia hạ xuống nhưng lát sau lại quay về, vù đến. Bạn tôi ra lệnh: “Cậu đặt con mái xuống đất đi, nó sẽ đến tìm”. Con chim đến tìm thật, hạ thấp xuống như muốn đậu bên bạn, bất chấp họng súng hờm sẵn. Súng nổ. Con chim rơi thẳng một đường xuống đám lau. Con chó lao đến...

Người trong chuyện không phải là tôi mà là văn hào Pháp Guy de Maupassant (truyện ngắn Amour, in trong tập truyện Le Horla, năm 1887), tôi chỉ tóm tắt chuyện để nhắc tích xưa, để thấy rằng: Người xưa và người nay hiểu tình yêu không khác. Cùng sống, cùng chết với nhau, dâu cùng hái, cánh cùng bay, tình yêu là vậy, vạn vật cũng như người. Rồi để thấm thêm một điều này nữa: Tình yêu không có cái chết. Dù thân xác có chết, tình yêu vẫn sống. Tình yêu chính là sự sống. Ai bảo hai con chim đã chết? Chúng nó đang yêu nhau trong lương tâm của người nổ súng. Ai bảo vợ chồng người hái dâu đã chết? Hãy xem họ quấn quýt nhau trong cây.

Mùa xuân mới, xin gửi câu chuyện này đến những người đang yêu nhau.

Cao Huy Thuần