Bệnh khảm lá sắn vô phương cứu chữa hoành hành các tỉnh Đông Nam Bộ
- Thứ ba - 31/07/2018 11:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTT), trên tổng diện tích hơn 48.100ha, hiện 4 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đã bị nhiễm bệnh với diện tích 29.160ha, tăng gần 28.900ha so với cùng kỳ năm 2017.
Sụt giảm năng suất
91% diện tích sản xuất sắn của Tây Ninh đã nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Trong thời gian sớm nhất, ngành nông nghiệp phải nghiên cứu chọn ra 3 giống mì sạch bệnh trồng thử nghiệm ở Tây Ninh. Phía Tây Ninh cũng phải chọn khoanh vùng địa điểm thích hợp cho việc xuống giống và kiểm soát chặt chẽ để tạo ra nguồn giống chất lượng cho sản xuất”. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh |
Riêng Tây Ninh, Cục BVTT thống kê có gần 28.590ha nhiễm bệnh. Trong đó có 5.580ha nhiễm nặng nhưng diện tích tiêu hủy chỉ mới đạt 143ha. Bệnh xuất hiện tại 9/9 huyện, thị xã.
Còn theo báo cáo mới từ Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, tính đến giữa tháng 7, toàn tỉnh đã xuống giống được 34.262ha sắn. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh là 31.216ha, chiếm 91% diện tích sản xuất, tăng 5,3 lần so với năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tây Ninh đã tiến hành cày hủy 143ha diện tích sắn nhiễm bệnh. Tuy nhiên chỉ có một số ít người trồng đồng thuận tiêu hủy với diện tích bị nhiễm với tỷ lệ hơn 70%. Riêng với diện tích nhiễm bệnh dưới 70% và nhiễm muộn sau 2 tháng tuổi, nhiều người vẫn tiếp tục chăm sóc đến cuối vụ.
Thời gian qua, nguồn nguyên liệu mì thiếu hụt do dịch bệnh khảm lá ảnh hưởng đến cả năng suất, sản lượng. Trên diện tích 1,5ha chuẩn bị thu hoạch, ông Trần Anh Xuân (TP.Tây Ninh) cho biết, ruộng sắn của gia đình bị nhiễm bệnh khảm lá toàn bộ. Bệnh không những làm củ sắn sụt giảm chữ bột để phục vụ chế biến mà còn gây thối củ. Nhiều khả năng vụ sắn này nhà ông bị mất trắng.
Theo ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT, cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá nặng sẽ dẫn đến năng suất giảm khoảng 80%.
“Việc người trồng sắn cố duy trì diện tích nhiễm bệnh không những khó thu hồi vốn đầu tư cho sản xuất mà còn làm dịch bệnh lây lan, không ngăn chặn được” - ông Trong nói.
Tăng cường kiểm soát
Tình trạng khan hiếm nguồn giống kháng bệnh cũng khiến nông dân đánh liều xuống giống bằng các hom sắn đã nhiễm bệnh từ vụ trước. Ông Trần Văn Ngọc (huyện Dương Minh Châu) kể, thời gian qua, giống sắn KM94 được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo là ít nhiễm bệnh nhưng lại không đủ giống để cung cấp cho người dân.
Đây cũng là nguyên nhân khiến thương lái mua cây sắn không rõ nguồn gốc từ nhiều địa phương khác về bán cho người dân làm giống.
Theo Sở NNPTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, giữa tháng 6 vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã kiểm tra và phát hiện một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Xuyên Mộc kinh doanh số lượng lớn giống sắn HL-S11 có nguy cơ lây nhiễm cao. Chi cục và Thanh tra sở đề nghị chủ hộ tiêu hủy ngay lô giống sắn trên.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện 34,3ha nhiễm bệnh khảm lá sắn. Trong đó có 34ha tại vùng trồng sắn thuộc Công ty CP Nông nghiệp Hòa Lâm.
Chi cục đã yêu cầu công ty tiêu hủy toàn bộ diện tích 12,7ha bị nhiễm tỷ lệ bệnh hơn 70%; tiêu hủy những cây bị bệnh đối với diện tích hơn 21ha có tỷ lệ bệnh 15-20%. Đồng thời, chi cục yêu cầu công ty này cam kết không trồng giống HL-S11; không vận chuyển, không sử dụng làm hom giống hay buôn bán, trao đổi các giống sắn đã nhiễm bệnh.
Theo ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ngoài việc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra giống cây trồng, nghiêm cấm hành vi buôn bán, trao đổi các giống mì đã bị nhiễm bệnh khảm lá, công tác giống phải được xúc tiến nhanh để người nông dân sớm ổn định sản xuất.
Đại diện Bộ NNPTNT cũng cho biết đã giao Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương, nhất là tỉnh Tây Ninh, xây dựng những chương trình khuyến nông đặc biệt để kiểm soát nguồn giống sạch bệnh.
Theo Nguyên Vỹ (danviet)