Bò “Kobe” cao nguyên đá Hà Giang “ăn đứt” bò ngoại
- Thứ tư - 08/03/2017 08:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bò vàng địa phương được người Mông trên cao nguyên đá nuôi dưỡng từ lâu đời. Có sức chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của thời tiết như giá lạnh và dịch bệnh. Màu lông của giống bò này đa số là vàng nhạt, sẫm hoặc mầu cánh gián, một số ít có mầu đen nhánh hoặc loang trắng, bò có tai to, lưng hơi võng, mông dài, ngực sâu, chân cao, đỉnh trán có u gồ hoặc phẳng, cho năng suất thịt cao và chất lượng thịt thơm ngon và đã được Bộ NNPTNT bình chọn.
Thức ăn cho bò chủ yếu là cỏ voi được người dân tự trồng
Bò vàng được người dân nuôi bằng cỏ, lá cây tự nhiên, cỏ khô, thân bẹ, lõi ngô, cỏ voi. Theo kết quả phân tích tại Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2010, thịt bò cao nguyên đá màu đỏ sậm hơn, vị ngọt đậm hơn so với các loại thịt bò khác va có độ dai thấp hơn, mềm hơn các loại thịt bò trên thị trường.
Trong thớ thịt xuất hiện mỡ giắt tương tự như thịt bò Kobe nổi tiếng của Nhật Bản với thành phần chủ yếu là các chất béo không no, rất dễ chảy và ngấm ngược vào thịt tạo nên sự mềm, béo đặc biệt ngon khi chế biến.
Trước đây, do tập quán chăn thả tự nhiên của người dân, giống bò vàng có nguy cợ bị suy thoái vì lai tạo cận huyết. Trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện chương trình nghiên cứu để tuyển chọn những con bò đực và bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá để ghép đôi giao phối; sử dụng những con bò đực giống đạt tiêu chuẩn cấp I, có tuổi đời từ 24 đến 48 tháng tuổi để huấn luyện, khai thác sản xuất tinh đông lạnh phục vụ cho công tác bảo tồn và phối giống.
Con bò vừa là tài sản vừa là niềm tự hào của các gia đình người Mông
Anh Giàng Mí Say - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đồng Văn cho biết: Năm 2016, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y của huyện Đồng Văn đã tiến hành tuyển chọn những con bò đực giống có thể trạng to lớn, có tuổi từ 18 - 36 tháng để khai thác tinh và bảo quản bằng tinh đông lạnh; sau đó sẽ phối giống tinh đông lạnh đối với đàn bò cái của địa phương. Kết quả đã cải tạo 500 con bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện
Bò giống sinh ra từ thụ tinh nhân tạo có trọng lượng trung bình từ 22 - 25 kg/con, lớn hơn so với bê nghé sinh ra từ phối giống tự nhiên từ 4 – 5 kg. Vì vậy, những con bò được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo cũng có tầm vóc lớn hơn và năng suất thịt cao hơn hơn so với các con bò được sinh ra từ phối giống tự nhiên của địa phương. Mỗi năm vùng cao nguyên đá Hà Giang có 3.000 đến 4.000 con bò thịt xuất bán đi.
Những con bò tốt sẽ được giữ lại làm giống để tái tạo nguồn gen tốt
“Ở Đồng Văn, mỗi gia đình người Mông đều có từ 2 – 3 con bò. Giá bò giao động từ 30 – 80 triệu đồng/con, tùy thuộc vào trọng lượng, ngoại hình của từng con. Những con bò vừa là tài sản lớn vừa là niềm tự hào của người dân nơi đây” – anh Say cho hay.