Nơi sản xuất lợn giống luôn trong tình trạng 'cháy hàng'

Nơi sản xuất lợn giống luôn trong tình trạng 'cháy hàng'
Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp (Ninh Bình) thuộc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) là cơ sở duy nhất của Việt Nam lưu giữ được giống gốc các dòng lợn ngoại có nguồn gen quý của tập đoàn giống heo hàng đầu thế giới PIC.

 

Thương vụ mua bán lịch sử

Năm 1997, lần đầu tiên có một doanh nghiệp nước ngoài cả gan đầu tư xây dựng trại sản xuất giống lợn hạt nhân (nuôi giữ lợn cụ kỵ) trên tại Việt Nam.

13-07-45_lon-thuy-phuong-1
Các dòng lợn nái của PIC cho năng suất sinh sản cao
 

Mỗi năm, Trại lợn giống hạt nhân Đồng Giao (Ninh Bình) của Cty PIC Việt Nam (Tập đoàn PIC của Mỹ) cho “ra lò” hàng ngàn con lợn ông bà, bố mẹ hậu bị. Đây là các dòng lợn cao sản có nguồn gen quý (bao gồm các giống Landrace tổng lợp, Yorkshire tổng hợp, Meishan trắng, Duroc trắng và Pietrain) đã được cải tạo gen, biệt hóa về các tính năng ứng dụng trong sản xuất.

Những con lợn giống PIC với những đặc tính ưu việt như đẻ nhiều, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, ít mắc bệnh, dễ chăm sóc và tăng trọng nhanh là niềm mơ ước của rất nhiều người chăn nuôi. Thế nhưng, do chiến lược phát triển thị trường của PIC không phù hợp; giá giống quá cao (500 USD/lợn nái hậu bị - năm 1997) khiến nông dân không thể với tới. Hoạt động sản xuất dần đình trệ, Cty PIC Việt Nam phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn.

Nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của lĩnh vực sản xuất giống đối với ngành chăn nuôi, từ nguồn kinh phí bổ sung của dự án “Nâng cao chất lượng giống lợn các tỉnh phía Bắc giai đoạn 2000 - 2005”, năm 2001 Bộ NN-PTNT đã mua lại Trại lợn giống hạt nhân Đồng Giao, giao cho Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương tiếp nhận, quản lý và khai thác.

Đã có không ít lời bàn tán xung quanh thương vụ chuyển nhượng trên. Nhiều người không tin với trình độ hiểu biết của Việt Nam lúc bấy giờ có thể duy trì, phát triển được nguồn gen quý hiếm này.

13-07-45_lon-thuy-phuong-2
Lợn được nuôi giữ tại trạm luôn được kiểm tra các chỉ số thường xuyên
 

Ông Phạm Duy Phẩm, GĐ Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương kể: "Ngoài tiếp nhận hơn 4.500 lợn giống, trong đó đặc biệt nổi bật là 376 lợn nái sinh sản và 12 lợn đực làm việc, trung tâm còn được Cty PIC Việt Nam chuyển giao phần mềm quản lý giống PPM. Bởi thế, với đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, say mê với công việc, việc quản lý và phát triển đàn lợn đã thành công, chất lượng con giống luôn được đảm bảo.

Tuy nhiên, do quy mô đàn lợn cụ kỵ thấp, từ năm 2010 Cty PIC không xuất bán tinh lợn đực đông lạnh cấp giống cụ kỵ nên đàn lợn có nguy cơ giảm năng suất. Đứng trước thách thức này, trung tâm tập trung cải tạo và nuôi giữ 3 dòng lợn cụ kỵ: VCN01, VCN02 và VCN04 bằng nguồn gen các giống lợn Landrace, Yorkshire và Duroc từ Pháp, Mỹ, Canada và Đan Mạch để thực hiện công thức lai 3, 4 giống. Nhờ đó, các dòng lợn trên đã được cải tạo, nâng cao năng suất".
 

Thường xuyên “cháy hàng”

Với 5 dòng lợn cụ kỵ gồm VCN01, VCN02, VCN03, VCN04 và VCN05, trạm đã sản xuất ra 2 dòng lợn ông bà (VCN11, VCN12) và 2 dòng lợn bố mẹ (VCN21, VCN22). 2 dòng lợn bố mẹ VCN21, VCN22 đã nhận được giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất.

Tại đây, đàn lợn hạt nhân được nuôi dưỡng ở chế độ đặc biệt, cách ly hoàn toàn với nguồn gây bệnh nhờ được bao bọc xung quanh là núi, tách biệt với khu dân cư. Với hệ thống chuồng nuôi và thu gom, xử lý chất thải thông minh, trong suốt một vòng đời, những cá thể lợn không cần tắm (để cơ thể lợn giảm mất nhiệt làm tiêu tốn năng lượng; giảm chi phí nhân công...) nhưng vẫn sạch sẽ.

13-07-45_lon-thuy-phuong-4
Khu nuôi lợn nái hậu bị
 

Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, khách đến làm việc cũng như cán bộ viên chức của trạm sau đợt nghỉ, khi vào trạm phải thay và sử dụng quần áo của trạm, các đồ dùng cá nhân được khử trùng và phải ở cách ly tại khu hành chính 48 tiếng trước khi xuống khu sản xuất.

Năm 2016, trạm nuôi giữ 500 lợn nái cụ kỵ và 350 lợn nái ông bà. Nhờ chủ động duy trì và khai thác đàn lợn giống hạt nhân; được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, trung tâm từng bước hạ giá thành sản xuất giống để phù hợp với điều kiện đầu tư của người chăn nuôi Việt Nam. Các sản phẩm con giống ông bà, bố mẹ tại Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp đã có ngoại hình trường mình, thân, vai nở và đặc biệt năng suất sinh sản đã được nâng cao rõ rệt.

Đối với đàn lợn nái cụ kỵ, số con sơ sinh sống/ổ đạt 12,7; số con cai sữa/ổ đạt 11,8 và số lứa đẻ/nái/năm đạt 2,32. Một con lợn nái có thể sản xuất được 27,4 con lợn sau cai sữa/năm. Đối với đàn lợn nái ông bà, số con sơ sinh sống/ổ đạt 12,4; số con cai sữa/ổ đạt 11,5 và số lứa đẻ/nái/năm đạt 2,32. Một con lợn nái có thể sản xuất được 26,7 con lợn sau cai sữa/năm.

13-07-45_lon-thuy-phuong-5
Một con lợn đực cụ kỵ Pietrain được nuôi giữ và khai thác tinh tại trạm
 

Đối với lợn nái bố mẹ, số con sơ sinh sống/ổ đạt 12,3; số con cai sữa/ổ đạt 11,4 và số lứa đẻ/nái/năm đạt 2,36. Một con lợn nái có thể sản xuất được 26,9 con lợn sau cai sữa/năm. Nguồn giống chất lượng này đã và đang đáp ứng tốt cho yêu cầu ngày càng cao về công tác giống, của ngành chăn nuôi lợn nước ta trong thời gian qua.

Chỉ tính 11 tháng đầu năm 2016, trạm đã chuyển giao vào sản xuất 4.813 con lợn cái hậu bị ông bà và bố mẹ, 494 con lợn đực giống hậu bị các loại. Năng lực sản xuất con giống của trạm ở thời điểm hiện tại vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển chăn nuôi của thị trường, và thường xuyên trong tình trạng “cháy hàng”.

 

Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn