Sớm công nhận cho giống có gen chủ đích

Sớm công nhận cho giống có gen chủ đích
NNVN đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt về việc cần phải sớm có cơ sở pháp lí để công nhận cho các giống cây trồng theo công nghệ mới.

Bên cạnh sự lỏng lẻo trong công tác thanh kiểm tra và nhẹ tay trong xử lí vi phạm, việc thiếu cây gậy pháp lí để bảo hộ bản quyền giống chính là kẽ hở tạo điều kiện cho các DN sản xuất kinh doanh giống đua nhau quảng cáo “nổ” sai sự thực về giống lúa Bắc thơm 7. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu cần phải sớm có cơ sở pháp lí để công nhận cho các giống cây trồng theo công nghệ mới về gen chủ đích. 

Cục trưởng Cục Trồng trọt, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn

Hàng loạt các DN ghi nhãn trên bao bì giống lúa Bắc thơm 7 như: Chống chịu bạc lá, chống bạc lá, kháng bạc lá…. Xin ông cho biết có giống Bắc thơm 7 kháng hay chống bệnh bạc lá không?

Trước hết, phải khẳng định tới thời điểm này, Bộ NN-PTNT chưa công nhận chính thức và đưa ra thương mại cho bất kỳ một giống lúa nào có khả năng kháng bạc lá. Hai đơn vị gồm Cty CP Giống cây trồng Hải Dương và Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hiện nay đã được Cục Trồng trọt cấp phép cho SX thử hàng năm đối với giống Bắc thơm 7 trên cơ sở có sự kiểm tra về gen chủ đích và lây bệnh nhân tạo, nhưng cái khó là chưa được công nhận chính thức là giống mới. Cái này vướng mắc ở pháp luật về công nhận giống.

Thứ hai, trong thang phân cấp về khả năng kháng bệnh của giống lúa, chỉ có khái niệm kháng vừa, kháng cao, nhiễm nặng và nhiễm vừa, chứ không có khái niệm chống hay chống chịu. Giống Bắc thơm 7 lại là giống nằm trong nhóm nhiễm nặng với bạc lá, đã được Cục Trồng trọt hàng năm khuyến cáo không đưa vào cơ cấu SX.

Tóm lại, việc ghi trên bao bì những nội dung về khả năng kháng bệnh mà không có trong thang phân cấp, và chưa được công nhận chính thức là giống lúa mới thì đều không được phép.

Những cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc thanh kiểm tra, xử lí tình trạng sai phạm trong ghi nhãn bao bì về giống lúa? Hình thức xử lí đối với hành vi vi phạm này thế nào thưa ông?

Có rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm quản lí, xử lí đối với hành vi này như Thanh tra Bộ NN-PTNT, thanh tra Cục Trồng trọt, Thanh tra Sở NN-PTNT các tỉnh… Tuy nhiên trong công tác thanh tra, trước hết vẫn là thanh tra Sở NN-PTNT các tỉnh.

Theo Nghị định số 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Mức phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa mà trên nhãn có hình ảnh, thông tin không đúng sự thật về hàng hóa thì mức phạt cao nhất là từ 20- 25 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng.

Năm 2016, Báo NNVN cũng đã từng phản ánh về tình trạng bát nháo trong quảng cáo ghi nhãn bao bì giống lúa Bắc thơm 7. Chúng ta có rất nhiều lực lượng quản lí như vậy, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn ngày càng phức tạp?

Bắc thơm 7 là giống đã có từ lâu, đơn vị tác giả trước đây là Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng lại không đăng ký bảo hộ nên bây giờ nó là giống toàn dân, không có bản quyền. Vì vậy việc quản lí SX, thương mại hết sức khó khăn.

Về phía Cục Trồng trọt, do quản lí rải đều đối với rất nhiều loại cây trồng nên Thanh tra Cục Trồng trọt hiện nay chỉ có khả năng triển khai thanh tra theo trọng tâm, trọng điểm lớn. Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, muốn thanh tra thì cơ quan thanh tra phải có được bằng chứng vi phạm và thông báo cho đơn vị vi phạm biết trước kế hoạch thanh tra.

Điều này đang gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thanh tra bởi không có tính đột xuất, có khi cơ quan thanh tra xuống thì họ đã tẩu tán hết sản phẩm vi phạm rồi.

Hai đơn vị gồm Cty CP Giống cây trồng Hải Dương và Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hiện nay đã nghiên cứu thành công việc chuyển gen kháng bạc lá vào giống Bắc thơm 7. Vì sao đến nay vẫn chưa được công nhận giống chính thức cho giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá này?

Hiện tại, theo quy định hiện hành của Bộ NN-PTNT, hai giống lúa giống hệt nhau về hình thái, qua khảo nghiệm DUS cho kết quả giống hệt nhau thì chưa được công nhận là giống mới. Vì vậy, mặc dù giống Bắc thơm 7 đã được một số đơn vị đưa thành công gen kháng bạc lá vào và đã thể hiện được khả năng kháng với bệnh bạc lá, tuy nhiên do vướng mắc trên nên chưa được công nhận là giống mới.

16-05-11_lu_khng_bc_l
Giống Bắc thơm 7 có gen kháng bạc lá đã được Cty CP Giống cây trồng Hải Dương phân phối tại nhiều địa phương, nhưng vẫn chưa được công nhận chính thức là giống mới

Hiện tại, Cục Trồng trọt đang trong quá trình hoàn thiện nghị định sửa đổi về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng, trong đó nghiên cứu bổ sung việc công nhận giống cho một số giống được hình thành trên cơ sở chuyển gen đích vào một giống đã được công nhận SX kinh doanh.

Trước mắt, giống Bắc thơm 7 kháng bạc lá là sản phẩm đầu tiên đang triển khai, tuy nhiên tới đây, không chỉ có gen kháng bạc lá mà còn có thể có nhiều gen khác như kháng rầy nâu, đạo ôn… hoặc một số gen có khả năng chống chịu với môi trường.

Theo đó, nếu giống nền và giống sau khi được cấy gen chủ đích giống hệt nhau về hình thái, nhưng giống được cấy gen chủ có thêm đặc tính dinh dưỡng, chống chịu sâu bệnh cũng như chống chịu điều kiện bất thuận của môi trường thì vẫn công nhận giống mới. Tuy nhiên sẽ phải kèm theo các quy định quản lí chặt chẽ, nhất là quản lí chặt về nguyên chủng và siêu nguyên chủng.

Trong khi đang chờ sửa đổi quy định mới về công nhận giống, đối với giống Bắc thơm 7 nguyên chủng và siêu nguyên chủng có gen kháng bạc lá của Cty CP Giống cây trồng Hải Dương và Viện Nghiên cứu Phát triển cây trồng, Cục bắt buộc hàng năm phải tiến hành khảo nghiệm đầu mối tại Viện Di truyền Nông nghiệp và Viện BVTV tiến hành lây nhiễm nhân tạo.

Trong đó phải giải trình tự gen để xác định sự có mặt của gen kháng bạc lá trong giống nguyên chủng và siêu nguyên chủng. Bên cạnh đó, còn phải tiến hành lây nhiễm nhân tạo tại Viện BVTV để xác định gen đích thể hiện được khả năng kháng đối với bệnh bạc lá hay không thì mới cho phép nhân giống để tiêu thụ ra thị trường. Các giống sau này, hướng quản lí của Cục Trồng trọt cũng sẽ được xây dựng theo trình tự như thế.

Hiện nay, thế giới đã có công nhận về bản quyền và bảo hộ về gen chủ đích (một hoặc nhiều gen chủ đích). Theo đó, chúng ta cũng sẽ dần tiến tới bảo hộ cho cả gen chủ đích nữa chứ không chỉ công nhận giống có gen chủ đích.

Xin cảm ơn ông!

Theo LÊ BỀN/nongnghiep.vn