10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn: Hàng triệu hộ dân thoát nghèo

10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn: Hàng triệu hộ dân thoát nghèo
Hàng triệu lượt hộ ND được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả…, đó là kết quả 10 năm (2003-2013) thực hiện Văn bản liên tịch 235 giữa Hội NDVN và Ngân hàng CSXH về ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Gia đình ông Nguyễn Đình Mãi giờ đây thuộc diện khá giả ở xóm Trung Sơn, xã Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định). "Có ngày hôm nay là nhờ gia đình tôi được 2 lần tiếp vốn thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của Hội ND”- ông Mãi thổ lộ.

Chủ tịch T.Ư Hội ND VN Nguyễn Quốc Cường (ngoài cùng bên trái) thăm mô hình chăn nuôi thỏ sử dụng vốn vay ủy thác của nông dân Thanh Hưng, huyện Điện Biên (Điện Biên).

Vay vốn làm giàu

Năm 2005, ông Mãi được vay 10 triệu đồng để thuê đất trồng mì, bắp. Bán mì, bắp, ông mua bò, lợn về nuôi. Năm 2008, gia đình ông tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay vốn lần 2 với mức 30 triệu đồng để mua máy làm đất. Có máy, ông vừa làm đất cho gia đình, vừa làm dịch vụ nên không chỉ thu nhập ổn định mà còn hỗ trợ, giúp đỡ được một số hộ nghèo trong xóm...

Ông Đặng Thọ An, xóm 4, xã Nghi Trường (Nghi Lộc, Nghệ An) sau 2 năm vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH cũng đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi lợn nái. Ngoài vốn vay chương trình hộ nghèo, thông qua tổ TKVV của Hội ND, ông An còn được vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng công trình nước sạch…

Hội Nông dân Việt Nam đang quản lý 69.170 tổ TKVV theo địa bàn dân cư với hơn 2,4 triệu thành viên. Trước năm 2008, bình quân 1 tổ chưa đến 20 thành viên, dư nợ dưới 10 triệu đồng/thành viên; nay quy mô nâng lên 35 thành viên/tổ, dư nợ bình quân đạt hơn 18,5 triệu đồng/thành viên.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định, nhờ được "tiếp vốn", hàng triệu hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dòng vốn tín dụng ưu đãi còn có tác động quan trọng đối với việc ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh…

Có kiến thức làm ăn

Trong 10 năm tham gia ủy thác, các cấp hội ND trong cả nước đã góp phần đưa quy mô nguồn vốn tăng hàng chục lần, mức vay bình quân tăng từ 10 triệu đồng/hộ năm 2008 lên hơn 18 triệu đồng/hộ hiện nay. Các cấp hội đã triển khai các giải pháp thiết thực mà trọng tâm là phối hợp và trực tiếp tổ chức các họat động tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề, xây dựng mô hình trình diễn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật theo cách cầm tay chỉ việc…

Theo bà Nguyễn Thị Má- nguyên Giám đốc Ban Điều hành Quỹ HTND (T.Ư Hội NDVN), thì các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề, xây dựng mô hình trình diễn ngày càng được Hội NDVN lồng ghép, gắn kết với công tác giải ngân vốn của Ngân hàng CSXH. "Vốn vay cùng với kiến thức, kinh nghiệm sản xuất từng bước thay đổi nhận thức, tư duy làm ăn của hộ nghèo. Từ kiểu sản xuất tự cấp, tự túc, nhỏ lẻ, các hộ vay vốn chuyển từng bước sang sản xuất hàng hóa. Đây chính là một trong những cách hỗ trợ hộ nghèo thiết thực, hiệu quả để tiến tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là ở các vùng, miền khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…"- bà Má chia sẻ.