Chung sức xây dựng nông thôn mới: Khi lòng dân đồng thuận

Lý giải vì sao so với các huyện, thành phố khác của tỉnh Bạc Liêu, việc thực hiện nghị quyết ở huyện Phước Long luôn mang lại kết quả cao, ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy, tâm đắc cho biết: “Tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thì không việc khó nào là không khắc phục được...do đó trước khi ra nghị quyết đưa xuống dân, phải xem đâu là vấn đề bức xúc nhất của người dân để ưu tiên tập trung làm trước và phải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân...'' và đây được coi là phương châm chỉ đạo của huyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

 

Được Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện chỉ đạo điểm của cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2010 - 2015, huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã đề ra nhiều giải pháp với nhiều cách làm sáng tạo. Bước đầu đã gặt hái những thành tựu quan trọng, tạo nên tiền đề vững chắc cho chặng đường tiếp theo trong XDNTM. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Phước Long hàng năm bình quân từ 15 - 18%. Tất cả những việc làm được này nhờ huyện đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân địa phương.

 

* Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

 

Một trong những thành tích ấy là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo ở nhiều vùng nông thôn, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao.

 

Về lĩnh vực giao thông nông thôn, đến nay, huyện đã xây dựng 24 tuyến đường bê-tông trục ấp, liên ấp (với chiều dài hơn 35km) và 106 cây cầu bê-tông. Đường bê-tông ngõ xóm cũng cơ bản hoàn thành với 170 tuyến, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Chỉ tính riêng nguồn vốn nhân dân đầu tư cho phát triển sản xuất cũng đã chiếm 760 tỷ đồng, và đóng góp cho các công trình chung hơn 73 tỷ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, hiến đất xây dựng nhà văn hóa, hàng rào bê-tông…

 

Về hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, huyện xây dựng 18 trạm bơm điện, gắn với ô đê bao thủy lợi khép kín. Hiện nay, đã đưa vào sử dụng 4 trạm, các trạm còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bên cạnh đó, hơn 100 kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng cũng được nạo vét, đảm bảo phục vụ nhu cầu tưới tiêu của nông dân.

 

* Áp dụng mô hình sản xuất mới

 

Song song với phát triển hạ tầng, huyện còn tập trung đầu tư nâng chất và khuyến khích nông dân áp dụng những mô hình sản xuất mới mang tính bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình lúa - màu, lúa - cá, lúa - tôm, tôm - cá, tôm - cua; phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học; chăn nuôi các loại động vật hoang dã… Đặc biệt, huyện đang thực hiện quy hoạch 35 cánh đồng mẫu lớn trên diện tích hơn 3.680ha (sản xuất đạt từ 80 - 120 triệu đồng/ha/năm). Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển, tổng giá trị đạt gần 2.800 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hoạt động thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), làng nghề truyền thống cũng được duy trì và không ngừng phát triển, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động…

 

Việc tập trung phát triển hạ tầng kinh tế và sản xuất đã tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân. Thu nhập của người dân tăng nhanh, bình quân đạt khoảng 24,5 triệu đồng/người/năm (tăng 9 triệu đồng so với năm 2010). Nông dân Phan Văn Hòa (xã Hưng Phú) phấn khởi nói: “Từ khi triển khai chương trình XDNTM, bộ mặt của xã thay đổi hẳn, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều. Chương trình XDNTM sẽ mở ra nhiều hướng đi mới cho bà con nông dân khi hạ tầng giao thông, sản xuất được ưu tiên đầu tư”.

 

Ở huyện Phước Long trong 2 năm qua, Ban chỉ đạo XDNTM huyện đã khơi dậy được sức dân bằng tình yêu quê hương. Để làm được điều đó, Ban chỉ đạo XDNTM đặc biệt quan tâm đến công tác vận động, tuyên truyền, xem đây là khâu thực hiện đầu tiên trong XDNTM. Đến nay, huyện đã tổ chức gần 290 cuộc tuyên truyền cho trên 70.500 lượt người tham gia. Đồng thời, tổ chức hơn 70 lễ phát động ra quân XDNTM. Bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền sinh động để tạo khí thế thi đua cùng nhau thực hiện thắng lợi các tiêu chí về XDNTM. Bà Trần Thị Liên, Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) cho biết: “Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên người dân tích cực tham gia thực hiện tốt các phong trào. Trong đó, địa phương luôn phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên và những gia đình gương mẫu của ấp”.

 

Vượt qua những khó khăn, biến động chung của nền kinh tế thị trường, huyện Phước Long không ngừng nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ để nền kinh tế địa phương không ngừng phát triển. Riêng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) từ năm 2011 đến nay phát triển với tốc độ từ 10 - 15%. Hiện, toàn huyện có trên 1.350 cơ sở sản xuất CN-TTCN, thu hút trên 4.000 lao động.

 

Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật vẫn còn lạc hậu nên tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát khá phổ biến. Riêng ngành nghề CN-TTCN) quy mô nhỏ, chỉ sản xuất cầm chừng do một số sản phẩm làm ra chưa đủ khả năng cạnh tranh. Phần lớn lao động ở lĩnh vực này đã chuyển dịch sang sản xuất, kinh doanh lĩnh vực khác.

 

Xuất phát từ thực tế trên, huyện Phước Long xác định phải đẩy mạnh phát triển CN-TTCN và du lịch mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp với yêu cầu xây dựng huyện nông thôn mới. Theo đó, huyện tranh thủ các ngành hỗ trợ xây dựng dự án, xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cụm CN-TTCN tại thị trấn Phước Long và cụm công nghiệp Chủ Chí (xã Phong Thạnh Tây B). Mặt khác, huyện tập trung thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh phục vụ cho ngành xây dựng, nông - ngư nghiệp, giao thông… Đồng thời bố trí, quy hoạch lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ thấp lên cao, vận động nhân dân phát triển loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trại.

 

* Khai thác tiềm năng

 

Thấy rõ tiềm năng địa phương, nhất là các lợi thế tạo nên đầu mối thông thương, huyện Phước Long tập trung chỉ đạo đấu nối các tuyến đi ngang qua địa bàn, phát triển hệ thống giao thông thủy để góp phần đưa thị trấn Phước Long trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả vùng. Theo đó, huyện tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các chợ đầu mối trên địa bàn theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Song song đó, tạo mọi điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư thi công tuyến kênh xáng, tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp và các tuyến đường đấu nối, nhất là quy hoạch phát triển cụm thương mại - dịch vụ Vĩnh Phú Đông để đón đầu khu công nghiệp Ninh Quới, huyện Hồng Dân.

 

Ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, huyện Phước Long cũng tạo hướng đi mới cho sự phát triển kinh tế là khai thác tối đa tiềm năng về du lịch. Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ sớm hoàn thành quy hoạch phát triển du lịch miệt vườn, ẩm thực, du lịch làng nghề truyền thống, sinh thái, mở rộng đầu tư các khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

 

Năm 2013, Ban chỉ đạo XDNTM huyện Phước Long tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiếp tục phát động nhân dân thực hiện các tiêu chí về XDNTM. Tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại - dịch vụ, CN-TTCN… nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 15% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,95 triệu đồng/năm. Đồng thời tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp…

 

Với những bước đi chắc chắn, sáng tạo, tin rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Long sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra./.

 

(Theo TTXVN)