Đổi thay ở đồng bào miền núi

Đổi thay ở đồng bào miền núi
Trước đây, đồng bào ở khu vực miền núi hàng năm cứ đến giáp hạt thường phải đối diện với cảnh đói, rét và luôn trông chờ vào nguồn hàng cứu trợ. Thế nhưng hơn năm năm trở lại nay bộ mặt nông thôn miền núi đã khởi sắc, người dân không phải lo từng bửa ăn và đời sống được nâng lên rõ rệt...

 

Hà Tĩnh có 126 xã miền núi thuộc 5 huyện, thị, trong đó có 39 xã thuộc Chương trình 135; 4 xã vùng cao; 9 xã biên giới. Dân số khu vực miền núi hơn 554.000 người, có đồng bào các dân tộc Chứt, Mường, Mán, Lào. Hà Tĩnh cũng là địa phương hàng năm thường phải chịu ảnh hưởng do mua lũ, đặc biệt là các xã miền núi huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang nên tỷ lệ hộ nghèo rất lớn và tỷ lệ hộ nghèo người dân miền núi cao hơn bình quân chung của tỉnh.

Huyện nghèo Vũ Quang xây dựng NTM

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và lãnh đạo huyện Vũ Quang kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại xã Đức Bồng

Trước những điều kiện khó khăn đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã có sự quan tâm sâu sát, nhằm từng bước nâng đời sống của người dân lên. Chỉ tính trrong năm nay, Chương trình 135 đã bố trí nguồn vốn gần 135 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân miền núi phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng các công trình và đào tạo đội ngũ cãn bộ cơ sở.

Từ nguồn vốn của chương trình 135 đã xây dựng 4 mô hình sản xuất, gồm 2 mô hình trồng cao su tiểu điền và 2 mô hình nuôi lợn rừng và các mô hình chăn nuôi, phát triển sản xuất các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Tất cả các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã làm mới, sửa chữa đảm bảo chất lượng được 84 công trình giao thông, xây dựng 13 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 trường mầm non và các công trình phụ trợ khác. Đây là những công trình đáp ứng yêu cầu gắn việc khắc phục hậu quả lũ lụt với phát triển kinh tế xã hội miền núi.

Song song với đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng cán bộ vùng đồng bào dân tộc cũng được ưu tiên cấp bách. Trong thời gian qua, Chương trình đã mở được 23 lớp đào tạo, với hàng ngàn lượt cán bộ tham gia. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, lực lượng chủ chốt hiểu hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, phát triển sản xuất, chăn nuôi trồng trọt và nhận thức về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Vốn ưu đãi GQVL ở Hương Sơn phát huy hiệu quả

Phát triển vườn rừng từ nguồn vốn GQVL ở Hương Sơn

Trong năm 2012, tỉnh đã trích gần 400 triệu đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi, đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, bản Giàng xã Hương Vĩnh (huyện Hương Khê). Các đối tượng được hỗ trợ là học sinh, chế độ cán bộ cắm bản, hỗ trợ cứu đói và xây dựng một số công trình hạ tầng khác. Ngoài ra, đồng bào dân tộc miền núi còn được hưởng lợi từ các dự án như dự án hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng (CBRIP), dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người ngheo (IMPP)...

Nếu như những năm 2005 trở về trước, đời sống đồng bào miền núi gặp nhiều khó khăn, thì nay nhờ có các chương trình mục tiêu Quốc gia cùng với những nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên cuộc sống của bà con đã từng ngày thay đổi. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 40%, đến nay giảm xuống còn 32%, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; tình hình kinh tế xã hội vùng dân tộc có nhiều kết quả, bộ mặt nông thôn miền núi đã có sự thay đổi căn bản, nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm vùng miền núi đạt trên 7%, thu nhập bình quân đầu người vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên 10 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng nâng cao tỷ trong công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ.

Từ chương trình 135 và đặc biệt là từ nhưng chính sách hỗ trợ của Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội, đời sống đồng bào miền núi ngày càng khởi sắc, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế có thu nhập bền vững. Điều kiện sinh hoạt với những nhu cầu thiết yếu đến việc học tập, chăm sóc sức khoẻ trong nhân dân từng bước được đáp ứng.

Theo baohatinh.vn