Lão nông U90 xây cầu, làm đường giúp dân
- Thứ hai - 17/09/2012 00:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng lão nông Võ Văn Hóa (Bảy Bế ) 82 tuổi ngụ ấp Mỹ Phước 2 (Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp) vẫn thích xây cầu, làm đường giao thông ở địa phương khiến cho nhiều người dân mến phục. Đến nay lão nông này đã góp sức xây 3 cây cầu bê tông cốt thép, nhiều tuyến đường giao thông khác.
Góp sức xây đường làng
Ngày 13.9, phải hỏi đường rất nhiều lần, phải qua đò ngang và len lỏi hàng chục km bằng đường bê tông, chúng tôi mới tới được nhà lão nông Bảy Bế. Đây là vùng sâu, vùng xa đi lại rất khó khăn nhưng từ khi có con đường bê tông, bà con địa phương đi rất thuận tiện.
Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông Bảy Bế (phải) vẫn đến công trình để động viên bà con cùng làm đường giao thông nông thôn. |
Những con đường, cây cầu trong xóm đều có đóng góp của ông Bảy Bế trong việc vận động người dân cùng góp công, góp của để xây dựng. Anh Võ Văn Đức – con trai của ông Bảy Bế cho biết: “Mới 2 tháng nay cha tôi bị bệnh nằm một chỗ nên không đi phụ làm cầu, làm đường, chứ trước đây nơi nào ông cũng tới. Tuổi cao không làm được nên ông tới từng công trình để hướng dẫn, động viên bà con cùng làm. Nhờ vậy mà cái ấp vùng sâu, vùng xa này đi lại rất thuận tiện”.
Ông Nguyễn Văn Tâm
Cả cuộc đời ông Bảy Bế đều làm từ thiện, giúp đỡ xóm làng. Tuy nhiên, kể từ năm 2000 khi các con đã ra ở riêng, có cuộc sống ổn định nên ông tập trung làm việc giúp ích cho xóm làng. Ông luôn tâm niệm: “Việc gì có ích cho xóm làng thì mình làm và phải làm gương để con cháu noi theo…”.
Vậy là, mấy năm qua ông đã tự nguyện đóng góp và vận đồng bà con xây dựng gần 6km đường giao thông nông thôn, 3 cây cầu bê tông, nhà tình thương với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tự bỏ tiền ra xây dựng Trại hòm từ thiện để giúp đỡ những người nghèo ở địa phương.
Việc vận động người dân cùng làm cầu, xây dựng đường ở nông thôn của ông cũng khá đặc biệt. Nếu tuyến đường nào dài, một mình ông không đủ kinh phí thì ông lập danh sách xem trên tuyến đường đó có bao nhiêu hộ.
Những hộ khá giả thì ông động viên góp tiền, những hộ nghèo thì góp công. Nhờ vậy mà tuyến đường được xây dựng, thuận lợi cho việc đi lại và có công của tất cả mọi người trong xóm. Ông Phạm Hữu Văn – nông dân trong ấp cho biết: “Bà con xóm làng rất mến mộ ông Bảy Bế bởi việc làm từ thiện của ông. Ngoài việc làm đường, làm cầu bê tông thì bà con trong xóm có thiếu thốn gì là ông giúp ngay. Chính vì là người mẫu mực, hết lòng với mọi người nên có rất nhiều con cháu, hàng xóm cùng làm theo ông”.
Cống hiến hết cuộc đời
Ông Bảy Bế chỉ ngừng làm cầu, làm đường chỉ gần 2 tháng nay khi ông lâm trọng bệnh nặng do tuổi cao, sức yếu. Trước đó, ông còn hứa với bà con ở địa phương xây dựng 2 cây cầu bê tông và một đoạn đường giao thông với kinh phí hơn 300 triệu đồng.
Anh Võ Văn Đức cho biết: “Những việc cha tôi đã hứa với bà con nhưng giờ sức khỏe yếu, không còn làm được nữa thì mấy anh em tôi quyết định làm thay. Mấy bữa nay công trình làm đường giao thông đang gấp rút thi công và dự kiến đến ngày 28.9 này sẽ khởi công xây dựng cầu. Tuy sức khỏe cha tôi rất yếu, nhưng luôn nhắc nhở chúng tôi phải làm để ông yên lòng ra đi”.
Theo anh Đức, sau này thế hệ con cháu của ông sẽ tiếp nối truyền thống làm việc thiện, giúp đỡ xóm làng. Trước mắt, anh Đức cùng người con thứ 7 là Võ Văn Phục sẽ duy trì hoạt động của Trại hòm từ thiện, với mỗi tháng dành khoảng 6 đến 8 triệu đồng để giúp đỡ người nghèo. Còn lại, những việc làm đường giao thông nông thôn, xây cầu sẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế sẽ đóng góp.
Hôm được mời ra Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng và kỷ niệm chương của ngành giao thông, ông Bảy Bế đang nằm viện nên không đến nhận được. Sau đó, chính quyền địa phương đến tận nhà để trao cho ông.
Đây là niềm vinh dự lớn không chỉ của ông, mà còn của cả bà con nhân dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý cho rằng: Đóng góp của ông Bảy Bế trong việc xây cầu, làm đường ở địa phương là rất đáng được trân trọng.
Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhưng ông không chỉ tích cực trong việc bỏ tiền ra xây dựng, mà còn vận động nhiều người dân trong xóm, ấp cùng góp công, góp sức. Nhờ vậy mà bộ mặt địa phương vùng sâu, vùng xa này đã được thay đổi từ những con đường mới, những cây cầu bê tông bắc qua sông…
Hoàng Mai