Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp người dân thoát nghèo bền vững

Sau 18 năm hoạt động, 10 năm chuyển từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo thành Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành; sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân và các đối tượng chính sách xã hội; nhất là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, vượt khó khăn gian khổ cùng sự năng động sáng tạo của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, NHCSXH hoàn thành xuất sắc mục tiêu Chính phủ đặt ra: Tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.


Với nguồn vốn khiêm tốn, ban đầu Ngân hàng chỉ triển khai 3 chương trình tín dụng. Đến nay đã thực hiện 18 chương trình, trong đó 14 chương trình bằng nguồn vốn trong nước và 4 chương trình từ nguồn vốn của tổ chức nước ngoài ủy thác. Ngoài ra, còn nhiều chương trình, dự án do địa phương, các tổ chức và cá nhân ủy thác thực hiện.

Tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ của NHCSXH đạt 113.921 tỉ đồng, gấp 16 lần so với thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 32,8% với gần 7,1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng, dư nợ bình quân 16 triệu đồng/hộ. Hơn 97% dư nợ tập trung vào các chương trình trọng yếu như: Cho vay hộ nghèo (chiếm 36,5%); cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay (31,4%); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (11,3%); cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (9,3%); cho vay giải quyết việc làm (5%); cho vay hộ nghèo về nhà ở (3,4%); cho vay gia đình chính sách đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Các chương trình tín dụng thuộc NHCSXH thực hiện đều có hiệu quả cao, nợ quá hạn không đáng kể. Chương trình cho vay hộ nghèo 10 năm qua có hơn 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội được vay vốn góp phần giúp hơn 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nước ta thành công được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao có phần đóng góp quan trọng của NHCSXH và Ngân hàng NN&PTNT; Chương trình cho học sinh, sinh viên vay có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội… Tổng nguồn vốn chương trình đạt 36.125 tỉ đồng, doanh số cho vay bình quân 4.357 tỉ đồng/năm, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,47%.

Đối với Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở giúp 520.000 hộ được hỗ trợ về nhà ở, trong đó hơn 483.000 hộ nghèo có nhu cầu và được nhận vốn vay để làm nhà ở đạt 93%. Trong đó, tập trung nguồn vốn 663 tỉ đồng, ưu tiên 62 huyện nghèo cho 82.960 hộ vay. Chương trình cho vay giải quyết việc làm góp phần tích cực giải quyết cho gần 2,6 triệu lao động có việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nhất là đối với những vùng đô thị hóa nhanh, phải chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp cho yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo đến NHCSXH khẳng định phương thức quản lí, mô hình tổ chức, điều hành tác nghiệp hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội nước ta. Hoạt động của ngân hàng có hiệu quả cao, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của xã hội tham gia vào Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Tuy vậy, hoạt động của NHCSXH cũng còn nhiều khó khăn: Nhu cầu vốn ngày càng tăng nhưng cơ chế huy động vốn hạn hẹp; nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp chiếm tỉ trọng thấp và có xu hướng giảm dần; việc bố trí vốn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội không tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ…

Để thực hiện chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, Nhà nước cần có kế hoạch đáp ứng nhu cầu vốn cho các chương trình an sinh xã hội, liên quan đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, mở rộng cơ chế huy động vốn; tạo điều kiện, cơ hội cho NHCSXH tiếp cận với các nguồn vốn nhân đạo, vốn ODA; đổi mới phương thức, hình thức trợ giúp người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, tiến tới xóa bỏ hình thức cấp phát cho không (trừ khi do thiên tai, hỏa hoạn) thay vào đó là hình thức cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất, thậm chí sau một thời gian xem xét xóa nợ. Quan trọng là thông qua hệ thống tín dụng giúp người nghèo thay đổi nhận thức, tiếp cận được nguồn vốn, có sự tính toán để sử dụng có hiệu quả. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tham gia đóng góp vốn tín dụng chính sách đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách nhằm đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững ở nước ta.

TS. Đàm Hữu Đắc
Nguồn n
guoicaotuoi.org.vn