Nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới

Nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới
Thành lập mới 6 năm, nhưng Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (Phano) đã có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cao Đức Phát nhiệt liệt biểu dương hoạt động tư vấn, đánh giá độc lập về mô hình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như ý kiến xây dựng pháp luật về NTM của Phano, nhiều cơ quan trung ương và địa phương đã lấy đó làm căn cứ để xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách xây dựng NTM.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị bước vào nhiệm kỳ 2 (2012-2017), Phano tham gia một số đề tài cấp Bộ và giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động phản biện xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Những năm vừa qua, Hội đã tổ chức một số hội thảo giúp nhiều địa phương có điều kiện phát huy thế mạnh vùng, miền, như hội thảo về tam nông và “du lịch nông nghiệp và đón tiếp tại nông hộ”... 

Qua đó, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới đã đặt mối quan hệ chặt chẽ với Phano: Quĩ về sự tiến bộ của con người (FPH – Thụy Sĩ), Tổ chức Du lịch đón tiếp nông hộ (L’acceuil francaise – Pháp), được tổ chức phi chính phủ quốc tế OXFAM tham vấn ý kiến cộng đồng về Luật đất đai...

Phong trào chung sức xây dựng Nông thôn mới - Ảnh minh họa

Cho đến nay, Phano là tổ chức duy nhất tại nước ta đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng thành công các mô hình tổ chức nông dân và liên kết, hợp nhất các tác nhân trong ngành hàng, nhằm sản xuất hàng hóa và tăng cường sự tham gia của người nghèo. Nhiều mô hình đã và vẫn hoạt động có hiệu quả, được nông dân và các cấp chính quyền ủng hộ.

Trong đó, phải kể đến Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi chuyên ngành, HTX dịch vụ chăn nuôi thú y tại Hải Dương, HTX sản xuất rau an toàn tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), các Hiệp hội sản xuất và thương mại hóa sản phẩm nhằm bảo tồn và thương mại hóa sản phẩm: Lúa tám xoan Hải Hậu, vải thiều Thanh Hà... Đi liền với các đặc sản đó, Phano đặc biệt quan tâm đến sự gắn kết phát triển nông thôn theo chuỗi giá trị lương thực – thực phẩm với sở hữu trí tuệ, thông qua chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, như: Vải thiều Thanh Hà, lúa tám xoan Hải Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, và đang tiếp tục với bưởi Phúc Trạch, hồng không hạt Bắc Cạn, mật ong Mèo Vạc...

Có được thành tựu bước đầu đáng trân trọng đó, là do Phano đã qui tụ được một đội ngũ nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu, các nhà quản lý giàu kinh nghiệm và một lòng một dạ với nông dân, do GS-TSKH Trần Duy Quí, nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, làm Chủ tịch. Bên cạnh đó là nguyên Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Lê Huy Ngọ, TS Nguyễn Văn Tri, GS – TSKH Võ Tòng Xuân, GS – TS Nguyễn Đăng Vang... Đặc biệt trong Ban chấp hành của Phano còn có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có uy tín như Bình Điền Long An, Bồ Đề 688.../.

  •