Cần nâng cao khả năng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Thứ tư - 03/10/2012 21:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành khá nhiều văn bản về cơ chế, chính sách, phân bổ vốn, hướng dẫn thực hiện v.v.. phục vụ hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn; làm tốt công tác kiểm tra, chỉ đạo tận các địa phương, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ.
Văn phòng điều phối nông thôn mới đã tập trung công tác tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị, cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú tạo hiệu ứng tốt trong nhân dân. Cùng với tuyên truyền, Văn phòng điều phối tỉnh đã chú trọng công tác tập huấn, hội thảo theo từng chuyên đề sâu; tổng kết các mô hình hợp tác, chia sẻ các bài học kinh nghiệm để nhân rộng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cũng đang gặp một số tồn tại, khó khăn như: đội ngũ cán bộ còn thiếu, chất lượng chưa cao; văn phòng điều phối cấp huyện chưa đồng bộ, cán bộ chuyên trách chưa đáp ứng yêu cầu.
Về kết qủa thực hiện cơ chế, chính sách về xây dựng NTM đã được triển khai, tập huấn cho các huyện và phổ biến đến tận người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp một số khó khăn, vướng mắc và đạt kết quả thấp. Đến 30/9, kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương và của tỉnh hỗ trợ mới được 47,3 tỷ đồng (đạt 33%). Vốn đã giải ngân chủ yếu là vốn đầu tư phát triển, còn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất rất hạn chế (8%).
Việc triển khai QĐ 26 của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình NTM bước đầu đã có dấu hiệu tích cực, người sản xuất bắt đầu tiếp cận được với chính sách hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, kết quả đạt được còn hạn chế, số tiền hỗ trợ lãi vay mới được gần 114 triệu/33 tỷ đồng (đạt 0,3%). Dự kiến, đến cuối năm cũng chỉ giải ngân được khoảng 3 tỷ đồng (thừa 30 tỷ đồng).
Nguyên nhân của việc giải ngân chậm là do: phạm vi được hỗ trợ còn hạn chế, đối tượng, quy mô còn cao nên nhiều hộ có nhu cầu vay vốn không tiếp cận được chính sách này; việc tuyên truyền về chính sách chưa tốt, hướng dẫn thực hiện chính sách chậm nên các địa phương lung túng trong quá trình triển khai; khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế…
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự ghi nhận, đánh giá cao vai trò của Văn phòng điều phối tỉnh trong việc tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách; kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù, Hà Tĩnh là 1 trong những địa phương được Trung ương đánh giá cao (đứng thứ 2 toàn quốc) về triển khai, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Nhưng, những kết quả đó vẫn chưa đạt so với yêu cầu và đặc biệt chưa đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới, Văn phòng điều phối tỉnh, các cấp, các ngành cần giúp các địa phương rà soát, đánh giá lại các tiêu chí và có giải pháp xây dựng, củng cố các tiêu chí đó, đặc biệt là nhóm các xã về đích 2012, 2013 và 2015; tổ chức tổng kết và nhân rộng mô hình theo từng nhóm chuyên ngành; tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển giống cây, con sản phẩm chủ lực, nâng cao khả năng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường công tác phòng ngừa xử lý tốt mầm bệnh cây trồng vật nuôi; chú trọng đến việc xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ngô Thắng