Khoa học công nghệ - Nền tảng cho phát triển bền vững
- Thứ bảy - 02/01/2016 05:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm qua, ngành KH&CN đã khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống mới có triển vọng, thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu Hà Tĩnh bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, như các giống lúa, ngô, lạc, đậu, rau - củ - quả có năng suất cao, chất lượng tốt. Các loại cây ăn trái, cây lâu năm như cam bù, bưởi Phúc Trạch, chè, cao su cũng đã được nghiên cứu, áp dụng quy trình canh tác tổng hợp, ứng dụng kỹ thuật ghép đỉnh sinh trưởng (ghép sạch bệnh), bảo tồn, lưu giữ nguồn gen... Nhiều tiến bộ kỹ thuật khác cũng được áp dụng rộng rãi như quy trình VietGap; quy trình nuôi cá bằng lồng trên sông, trên biển; quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt trên cát...
Các chương trình, đề án, kế hoạch về KH&CN đã triển khai quyết liệt và bước đầu đem lại kết quả cao, có tác động lớn đến phát triển KT-XH. Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu Hà Tĩnh được đầu tư nâng cao tiềm lực và ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng và số lượng theo nhu cầu thực tiễn sản xuất. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng phong trào sản xuất nấm tỉnh ta đã có nhiều bước tiến mới, rộng khắp trong toàn tỉnh, dần trở thành một nghề sản xuất cho thu nhập cao.
Đến nay, đã có 11 loại giống được đưa vào sản xuất, sản lượng đạt trên 1.000 tấn nấm tươi/năm, doanh thu 2,5 tỷ đồng/ha lán, trại/năm (quy mô tăng 6 lần, sản lượng tăng 11 lần so với năm 2012). Phong trào sử dụng phân hữu cơ vi sinh cũng được chú trọng, trong năm, toàn tỉnh sản xuất trên 50.000 tấn phân hữu cơ, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường.
Kỹ thuật thụ phấn bổ sung tăng khả năng ra hoa, đậu quả và trừ bệnh đốm đen trên cây Bưởi Phúc Trạch được chuyển giao góp phần khắc phục tình trạng suy thoái và tăng năng suất vườn bưởi. |
Cùng với đó, Sở KH&CN đã hướng dẫn 125 đơn vị, cá nhân trình tự, thủ tục xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu và khâu nối cấp văn bằng cho 45 đơn vị, làm tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà trên thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều đề tài khoa học cũng đã tập trung nghiên cứu giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm phát triển CN-TTCN và dịch vụ. Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được triển khai có ý nghĩa khoa học và thực tiễn thiết thực, cung cấp luận cứ khoa học để hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa - xã hội, QPAN, GD&ĐT.
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết, năm 2016 và thời gian tiếp theo, ngành tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN về công nghệ cao, công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất, đời sống; phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, xây dựng được một số thương hiệu mạnh; phát triển doanh nghiệp KH&CN và thị trường KH&CN; tăng cường quản lý đo lường chất lượng; đẩy mạnh hợp tác phát triển toàn diện về KH&CN…
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn